Nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật

20:30 | 09/05/2012

Nguyễn Triệu Luật đã nghiên cứu sâu sắc bản chất thời đại, qua các sự kiện lịch sử, qua cuộc đời con người sống trong thời đó, mà tưởng tượng và cấu trúc tác phẩm. Đây là tư duy khoa học chính xác, hiện đại của người phương Tây. Lịch sử là hình bóng con người thật. Họ đã sống và đã chết trong hoàn cảnh xã hội của họ. Cuộc đời họ còn in dấu trong nhiều sự kiện, liên quan đến nhiều người trong quá khứ, không dễ phai mờ. Người viết tiểu thuyết lịch sử là viết về chính những con người thật đó, không thể tưởng tượng, hư cấu một cách tuỳ tiện, theo cách nghĩ phóng túng của mình.
Nghệ thuật tiểu thuyết  lịch sử của Nguyễn Triệu Luật

Mai Thục

     Nhờ tuyển tập Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật (NXB Khoa học xã hội - 2011), chúng tôi được hiểu thêm về một nhà văn “Đứng hàng đầu trong những tác giả tiểu thuyết lịch sử ở thập niên 30 và 40 của thế kỷ XX”.

     Nguyễn Triệu Luật (1903- 1946) ở Đông Anh - Hà Nội. Ông dạy học, viết báo, viết văn, từng bị thực dân Pháp bắt tù. Tiểu thuyết lịch sử là thế mạnh của ông với các tác phẩm: Hòm đựng người (1938), Bà Chúa Chè (1938), Loạn kiêu binh (1939), Ngược đường Trường Thi (1939), Chúa Trịnh Khải (1940), Rắn báo oán (1941)…

     Nguyễn Triệu Luật xuất hiện cùng thời với các nhà văn tài tử trong cuộc gặp gỡ với phương Tây. Cùng Thơ Mới, các nhà văn đã làm cuộc biến thiên rực rỡ của chữ Quốc ngữ, làm thay đổi cuộc sống tinh thần và cách nghĩ suy của con người Việt Nam.

      Thời đại đó (1930- 1945), Hoài Thanh, Hoài Chân đã viết:

     “Một xã hội suốt mấy nghìn năm kéo dài một cuộc sống gần như không thay đổi về hình thức cũng như về tinh thần. Từ đời này sang đời khác, đại khái chỉ có bấy nhiêu tập tục, bấy nhiêu ý nghĩ, bấy nhiêu tin tưởng, cho đến những nỗi yêu, ghét, vui buồn, cơ hồ cũng nằm yên trong khuôn khổ nhất định.

     Nhưng, một cơn gió mạnh bỗng từ xa thổi đến. Cả nền tảng xưa bị một phen điên đảo lung lay. Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ.” (Thi Nhân Việt Nam - NXB Văn học - 1988).

     Nguyễn Triệu Luật cùng các nhà văn: Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng… đã làm nên cuộc chuyển biến văn học Quốc ngữ trong cuộc gặp gỡ với phương Tây.

     Đọc các tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật, thấy nhiều nhân vật thời Lê - Trịnh hiện ra rất sinh động: Đặng Thị Huệ, Chúa Trịnh Khải, Trịnh Sâm, Trịnh Vương, Quận Huy,  những bà vợ Chúa, các cung tần, mỹ nữ, đám kiêu binh… Chính cái thế giới con người ấy đã làm sống lại  thời vua Lê - Chúa Trịnh rất đặc trưng trong lịch sử Việt Nam.

      Khám phá nghệ thuật viết tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật thấy ông tư duy khoa học lịch sử, kết hợp giữa nghiên cứu và tưởng tượng.

     Giọng kể chuyện theo phong cách hiện đại: đa thanh, đa giọng điệu, dùng nhiều đối thoại, và ngôn ngữ kịch nói, hợp với nhịp nghĩ suy và nhịp vận động của con người hiện đại.

      Đọc tiểu thuyết Nguyễn Triệu Luật, người đọc không thấy có mâu thuẫn giữa các sự kiện lịch sử và các nhân vật như họ từng được biết.

      Nguyễn Triệu Luật đã nghiên cứu sâu sắc bản chất thời đại, qua các sự kiện lịch sử, qua cuộc đời con người sống trong thời đó, mà tưởng tượng và cấu trúc tác phẩm. Đây là  tư duy khoa học chính xác, hiện đại của người phương Tây. Lịch sử là hình bóng con người thật. Họ đã sống và đã chết trong hoàn cảnh xã hội của họ. Cuộc đời họ còn in dấu trong nhiều sự kiện, liên quan đến nhiều người trong quá khứ, không dễ phai mờ. Người viết tiểu thuyết lịch sử là viết về chính những con người thật đó, không thể tưởng tượng, hư cấu một cách tuỳ tiện, theo cách nghĩ phóng túng của mình.

       Ngày nay, một số ít tác giả đã mắc sai lầm khi viết truyện lịch sử không có tư duy nghiên cứu. Họ cứ mặc sức tưởng tượng một cách vô căn cứ và áp đặt những suy tưởng mù mờ chủ quan của cá nhân mình về những con người thật từng có tên thật, cuộc đời thật trong lịch sử. 

      Với giọng kể chuyện đa thanh, đa điệu, Nguyễn Triệu Luật dùng nhiều đối thoại, và ngôn ngữ kịch nói, hợp với nhịp nghĩ suy và nhịp vận động của con người hiện đại.

      Đây là nghệ thuật kể chuyện đặc thù, rất nổi bật của Nguyễn Triệu Luật. Người đọc bị cuốn hút vào những tiếng nói đa thanh, những đối thoại sinh động trong từng trang viết, làm cho không khí tiểu thuyết sôi động, không nhàm chán, không gây căng thẳng, mệt mỏi bởi lời kể lể, lê thê, dài dòng của tác giả theo lối chương hồi cũ rích.

      Mở bất cứ trang nào trong tiểu thuyết Nguyễn Triệu Luật, người đọc cũng bắt gặp đối thoại. Những đối thoại liên tiếp của nhiều nhân vật, nhiều người kết nối nhằm kể một câu chuyện dài, hoặc làm nổi rõ tính cách nhân vật.

     Đối thoại là nghệ thuật kể chuyện gần đời thường xuất hiện trong các phóng sự của Vũ Trọng Phụng ra đời những năm 1930. Vũ Trọng Phụng đã sử dụng đối thoại như một phương tiện nghệ thuật ngôn từ để ghi lại dấu ấn về con người thời đại ông. Tác giả dùng ngôn ngữ nhân vật mang tính tự sự, thông báo những sự việc, những tâm trạng, những tính cách để diễn tả thân phận con người. Qua những thân phận ấy, lột tả hoàn cảnh xã hội.

     Với tiểu thuyết Nguyễn Triệu Luật, ngôn ngữ nhân vật đóng vai trò quan trọng bậc nhất, thay tác giả kể chuyện. Nhân vật trầm mình vào lịch sử mà kể chuyện. Nhưng tâm tình sâu kín của nhân vật lại mang màu sắc của con người hiện đại:

“- Em ân ái như thế, đời cho là có tội lắm đó. Nào những chưa thông mối lái, trước đã riêng thề, nào những phụ đấng quân vương dám yêu thầm giấu trộm, nào những con nhà gia thế, dám bỏ liều thi lễ môn xưa. Nhưng riêng em, em không cần những điều nói đó cả”.

“- Em là người trời sinh ra có tình, em phải có tình, cái đó không có tội gì cả.”

“- Phải lắm, người tài hoa như chị, khác nào cây đàn, cần phải rung động”. (Hòm đựng người).

     Các nhân vật đối thoại thông báo, kể chuyện. Chỉ một đối thoại nhỏ cũng nêu bật gốc tích Trịnh Phi, và cuộc tranh giành ngôi đẫm máu:

“- Duy Hợp là con bà Trịnh Phi, là cháu ngoại họ Trịnh, cũng có thể nối ngôi hoàng đế lắm”

“- Ông nhầm to! Trịnh Phi sinh ra hoàng tử Duy Hợp, có phải người họ Trịnh ở Sóc Sơn đâu mà hoàng tử là cháu ngoại nhà Chúa”. (Hòm đựng người)

     Nhiều trang đối thoại, nhân vật hiện ra như kịch nói:

Già Thông: - Thế nó đâu? 

Thuý Hồng: - Tôi đã lừa cho nó ra phố ngủ tối nay rồi.

Vú Mai: - Làm sao mà lừa được nó thế?

Thuý Hồng: - Chuyện nhảm, hỏi làm gì? Lừa người đàn ông đang độ thì khó gì.

(Hòm đựng người)

     Những giọng kể chuyện đa thanh, đa tình, nhiều sắc thái, khái quát và ngắn gọn và hiện đại như thế, làm nên cấu trúc tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật.

     Một cấu trúc văn chương đặc biệt mới lạ, cuốn hút người đọc, đã làm sống dậy thời vua Lê, Chúa Trịnh. Chúa chiếm quyền lực vua Lê, khuynh đảo thiên hạ. Triều đình loạn, vây cánh, bè đảng. Nạn kiêu binh, lũ chôn người, gây tai hoạ khắp chốn cùng nơi. Nhân dân lâm cảnh điêu linh, máu đổ tương tàn, tình người ly tán. Chúa Trịnh ăn chơi sa đoạ, xây cung đàng điếm trên Đảo Ngọc Hồ Gươm, nơi vua Lý Công Uẩn cúng tế Trời Đất. Cơ đồ hơn hai trăm năm Lê - Trịnh suy vong vì lẽ đó, là bài học muôn đời cho các triều đại.

     Sự tàn bạo ô nhiễm bầu không khí Thăng Long được Nguyễn Triệu Luật mô tả tài tình qua tiếng kháo nhau của đám đông:

  •  Thằng hát chẳng bị cắt lưỡi, thằng đứng nghe lại bị cắt lưỡi.
  •  Kể hát thì lúc ấy vui mồm tao cũng hát. Kể bắt thì trăm người mới đủ.
  •  Làm chính phủ đại thần, chịu di mệnh thiên vương mà ngủ cả với chính phi, lại còn cắt lưỡi người ta. Sao mà thằng Hoàng Đình Bảo nhà chúng mày chó thế?

     Nhà văn thêm vào tiếng kháo nhau một câu, mà thấy hiện ra một đám đông bạc nhược và vô cảm:

Mọi người ngơ ngác sợ hãi và lấy làm khoái chí.

                               (Bà Chúa Chè)

     Ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả vừa hiện đại vừa khéo léo phô diễn cảnh phố phường, lối ăn mặc, cử chỉ, lời ăn tiếng nói thời xưa, khiến người đọc bồi hồi như đang ở trong cảnh tối tăm, tù hãm, thương cảm xót đau thân phận con người, nhất là những phận mỹ nữ, cung nhân bị đoạ đày giày xéo trong phủ Chúa. Nguyễn Triệu Luật đã mở đường cho nghệ thuật viết tiểu thuyết lịch sử vừa khoa học vừa hoà trộn trí tưởng tượng mơ hồ của văn chương.

     Nguyễn Triệu Luật từng nói ông viết tiểu thuyết lịch sử theo phương pháp “Trộn lẫn cái chân thực của lịch sử với cái lông bông. Những hạt vàng của cái lông bông biết đâu lại có giá trị”.

     Riêng tôi, người viết tiểu thuyết Lệ Chi Viên (NXB Văn hoá Thông tin - 2011), sau hai mươi năm nghiên cứu, sống cùng thơ văn Nguyễn Trãi và thuộc những tư liệu lịch sử thời Nguyễn Trãi - Lê Lợi, cùng với sự nhận thức ngày càng lớn lên của cộng đồng con cháu hai cụ Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ, rất bái phục Nguyễn Triệu Luật một chi tiết trong đêm Lệ Chi Viên (Rắn báo oán)

     Chúng ta đều biết cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông trong đêm Lệ Chi Viên định mệnh, có Nguyễn Thị Lộ bên cạnh, là bởi hàng nghìn lý do khác nhau, khó có thể đổ diệt cho một lý này hay lý khác. Nguyễn Triệu Luật trong Rắn báo oán lộ rõ ý rằng vua ân ái quá đà với Nguyễn Thị Lộ mà chết. Song không vì thế mà ông hạ thấp nhân phẩm của Nguyễn Thị Lộ - Bà giáo đầu tiên của cung đình Đại Việt, người vợ yêu của Nguyễn Trãi Sao Khuê.

      Nguyễn Triệu Luật đã bịa ra chi tiết:

“Vua lùi lại, Thị Lộ cầm gươm lăm lăm:

  • Bệ hạ không nghĩ đến đạo quân thần, thần thiếp xin liều chết để toàn đạo làm vua cho bệ hạ, và đạo làm tôi, làm vợ của thần thiếp”.

     Văn là người. Một người sống có Đạo, có văn hoá truyền thống, thầy dạy lịch sử uyên bác, tràn đầy tình thương yêu, cảm thông và tôn trọng truyền thống Phụ Nữ Việt Nam mấy nghìn năm như Nguyễn Triệu Luật không thể để cho trí tưởng tượng phóng túng, dày đạp nhân phẩm bà giáo cung đình Nguyễn Thị Lộ.

     Nguyễn Triệu Luật được nhớ đến là thầy dạy sử uyên thâm, đức độ, một nhà cách mạng theo Nguyễn Thái Học chống thực dân Pháp. Một nhà văn khai sáng phương pháp viết tiểu thuyết lịch sử hoà trộn tư duy nghiên cứu khoa học và tưởng tượng, còn giá trị lâu bền cho đời sau nghiên cứu, học tập và suy ngẫm.

     Tên của ông - Nguyễn Triệu Luật được đặt cho một đường phố thuộc quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

    

Hồ Gươm Xuân 2012.     

 

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
15:10 | 31/01/2013
15:08 | 31/01/2013
15:00 | 31/01/2013
21:54 | 15/01/2013
21:23 | 15/01/2013
16:29 | 20/11/2012
12:00 | 21/09/2012
11:09 | 19/09/2012
09:36 | 23/07/2012
09:28 | 04/07/2012
Đăng ký thành viên