Vị trí ngôi chùa Vĩnh Nghiêm trong Phật giáo Việt Nam

15:12 | 23/07/2012

Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo, nơi đây tàng trữ các bộ ván khắc kinh Phật, xưa quy mô khu chứa ván kinh rộng tới 10 gian nhà. Tính tới nay những bộ ván kinh có từ 700 năm trước, là kho sách cổ vô cùng quý giá, như: Bộ luật sa di tỉ khiêu (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chỉ quán, Giới kinh ni...
Vị trí ngôi chùa Vĩnh Nghiêm trong Phật giáo Việt Nam

 

VỊ TRÍ NGÔI CHÙA VĨNH NGHIÊM

TRONG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Lê Hoài Nam

 

(Đối thoại giữa nhà văn Lê Hoài Nam và ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ)

Nhà văn Lê Hoài Nam: Là một người nghiên cứu về Phật giáo, xin ông cho biết một số nét khái quát về Phật giáo Việt Nam?

Ông Bùi Hữu Dược: Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu Công nguyên, qua câu chuyện cổ tích Chử Đồng Tử (ở Hưng Yên ngày nay) đã học đạo Phật từ nhà sư Ấn Độ. Các truyền thuyết xa xưa về Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự truyền đạo của Khâu Đà La  trong thời gian khoảng thế kỷ I-II SCN.

Ban đầu, người Việt tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ) được phiên âm thành "Bụt", nhân vật "Bụt" được thể hiện khá nhiều trong các chuyện dân gian, điều đó phản ánh Phật giáo Việt Nam lúc ấy có nguồn gốc trực tiếp từ Ấn Độ, và Phật giáo đi vào đời sống qua các câu chuyện dân gian mang màu sắc thần thoại, Bụt được coi như một vị thiện thần chuyên cứu giúp người tốt, trừng phạt kẻ xấu. Sau này, vào thế kỷ thứ IV-V, do ảnh hưởng của đạo Phật đến từ Trung Quốc, từ "Bụt" trong Phật giáo dần được thay thế bởi từ "Phật", bởi trong tiếng Hán, từ Buddha được phiên âm thành "Phật đà", "Phật đồ" rồi được rút gọn thành "Phật". Tuy nhiên từ “Bụt” trong các câu chuyện dân gian còn được giữ đến ngày nay.

Phật giáo vào Việt Nam được nhân dân đón nhận. Đến thời nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống. Đến thời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được đề cao, Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái. Đầu thế kỷ XVII, dưới triều Tây Sơn, vua Quang Trung đã chấn hưng đạo Phật qua chỉnh đốn, xây mới và chỉnh trang chùa chiền, xiển dương Phật giáo trong cả nước, sắc phong cho nhiều ngôi chùa, nhưng tiếc thay vì nhà Vua Quang Trung mất sớm nên việc này  kết quả chưa được nhiều. Đến thế kỷ XX, mặc dù ảnh hưởng của quá trình Âu hóa, Phật giáo Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ khởi đầu từ các đô thị miền Nam lan rộng ra khắp cả nước.

Nhà văn Lê Hoài Nam: Ông có thể nói chi tiết hơn về Phật giáo qua các triều đại ở Việt Nam?

Ông Bùi Hữu Dược: 

Từ thời Đinh - Lê, nước ta sau gần một nghìn năm chịu ảnh hưởng Bắc Thuộc, đến năm 905, nước ta (Giao Châu) giành được độc lập. Năm 968 Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua, lập ra nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở ra thời kì độc lập và phát triển lâu dài lịch sử Việt Nam. Đạo Phật lúc này đã có ảnh hưởng khá rộng và tham dự vào nhiều sự kiện hệ trọng của đất nước. Trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất sau loạn 12 Sứ quân, để đoàn kết, tập hợp nhân dân, lấy đức trị nước, Vua Đinh Tiên Hoàng đã khéo vận dụng đạo lý Phật giáo vào trị Quốc, đề cao đạo đức Phật giáo trong xã hội, với việc lập ra chức  Quốc sư cho thiền sư Khuông Việt - người đứng đầu Phật giáo  trong lịch sử nước ta.

 Hoa Lư - Ninh Bình trở thành kinh đô của Đại Việt  dưới thời nhà Đinh (968-980) và nhà Tiền Lê (980-1009), tại đây đã tập trung nhiều bậc danh sư, dần trở thành trung tâm Phật giáo. Theo các thư tịch và dấu tích còn lại, vào thế kỷ X, Hoa Lư đã có khá nhiều chùa tháp. Ninh Bình cũng là quê hương của quốc sư triều Lý Nguyễn Minh Không, ông đã cho xây dựng ở đây nhiều chùa tháp như: chùa Bái Đính, chùa Địch Lộng, động chùa Am Tiêm... Ở Việt Nam hiện nay có 3 chùa động được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” là chùa Hương, chùa Bích Động, chùa Địch Lộng thì 2 trong số đó nằm ở Ninh Bình. Điều độc đáo ở đây là có khá nhiều chùa được xây dựng trong các hang núi đá vôi, dựa vào núi đá hoặc tận dụng hẳn núi đá làm chùa mà tiêu biểu là các động chùa: động Hoa Sơn, động Thiên Tôn, Bích Động, động Địch Lộng, chùa Bái Đính, Linh Cốc…

Đến thời nhà Lý: Thay thế nhà tiền Lê, nhà Lý tiếp tục đưa đạo Phật phát triển lên hàng quốc đạo, nhiều vị vua nối tiếp nhau đã thực sự hướng theo và ủng hộ Phật giáo, không chỉ góp phần phát triển việc tu học mà còn qua đó phát triển một nền văn hóa Phật giáo riêng của Đại Việt khác biệt với  văn hóa Trung Hoa.

Một dấu ấn quan trọng thời này là việc khai sinh Thiền phái Thảo Đường. Tuy nhiên, vì khuynh hướng thiên về trí thức và văn chương, thiền phái Thảo Ðường không được phát triển rộng trong quần chúng mà chỉ ảnh hưởng đến một số trí thức có khuynh hướng văn học. Tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh tuy có ghi lại tên họ 19 vị thuộc thiền phái Thảo Ðường nhưng rất tiếc không  ghi lại tiểu sử, niên đại các bài truyền thừa của mỗi vị. 

Đạo Phật thời nhà Lý có nhiều ảnh hưởng sâu rộng với dân thường và cả vua quan. Trong số 19 vị nổi tiếng của Thiền phái Thảo Đường  có 9 vị là cư sĩ mà phần lớn là vua quan, trong đó có ba vị vua là Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, và Lý Cao Tông.  Rất nhiều thiền sư đời Lý tham gia chính sự mà không tham dự chính quyền. 

Trong giai đoạn này, nhiều công trình chùa, tượng tháp được xây dựng mà cho tới nay còn lưu truyền, trong số đó là An Nam Tứ Đại Khí gồm: tháp Báo Thiên, chuông Quy Ðiền, đỉnh Phổ Minh và tượng Quỳnh Lâm. Về lối sống của người dân thời bấy giờ, học giả Hoàng Xuân Hãn viết trong tác phẩm "Lý Thường Kiệt"“Ðời Lý có thể gọi là đời thuần nhất trong lịch sử nước ta. Ðó chính là ảnh hưởng của đạo Phật”.

 Phật giáo thời nhà Trần: Nhà Trần lên nắm quyền tiếp tục kế thừa và phát triển thêm nền tảng xã hội đã có từ thời Lý trong đó có đạo Phật. Nét nổi bật nhất của đạo Phật thời kì này so với thời trước là sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, do người Việt sáng lập mà Tổ sư chính là vị vua đã nhường ngôi cho con để xuất gia Trần Nhân Tông ( Thiền phái này còn hoạt động tới ngày nay, trong hệ thống của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam). Đạo Phật thời Trần đã đạt tới cực thịnh bởi vì các vị minh quân lúc bấy giờ biết lấy giá trị của đạo Phật để cố kết nhân tâm mà đánh giặc, vun bồi trí đức mà giữ nước và  mở nước, xây dựng đất nước cường thịnh.

Điểm nổi bật là sách Thiền Uyển Tập Anh (hay Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục), cổ thư xưa nhất còn giữ lại được đến nay viết về đạo Phật tại Việt Nam, đã được kết tập vào thời nhà Trần. Đây là một tập sách nói về các vị thiền sư Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ sáu đến thế kỷ thứ mười ba. Sách này bắt đầu được biên tập vào khoảng trước năm 1134 cho đến đầu thế kỷ thứ mười ba thì hoàn tất (cần nói thêm, không phải sách đạo Phật thời Lý, Trần ít mà do nhà Minh khi xâm lược Đại Việt thế kỉ XV đã tịch thu và hủy gần hết).

Số lượng chùa, tháp cũng như tăng sĩ thời kỳ này tăng lên rất nhiều, có lẽ là nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam nếu so với tương quan số dân ngày ấy. Các chùa cũng như tăng sĩ được nhiều ưu đãi không chỉ từ phía vua quan nhà Trần mà còn từ nhân dân. Sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ chép:

“Các chùa như Hoàng Giang, Ðồng Cổ, An Sinh, Yên Tử, Phổ Minh, Ngọc Thanh... dựng lên nhan nhản khắp nơi; những người cắt tóc làm tăng ni nhiều bằng nửa dân số thường. Nhất là huyện Ðông Triều, sự sùng thượng lại càng quá lắm: chùa chiền dựng lên, làng lớn có hơn mười chùa, làng nhỏ cũng chừng năm, sáu: ngoài bao bằng lũy, trong tô vàng son...”

Điều đó cho thấy, sự ưu ái quá mức dành cho giới xuất gia cũng bộc lộ mặt trái, cho đến cuối thời nhà Trần đã tạo ra một số bất cập khởi đầu cho sự suy thoái của đạo Phật sau này.

Nhà văn Lê Hoài Nam:  Nhiều người cho rằng ngôi Chùa Vĩnh Nghiêm có một vị trí đáng kể trong Phật giáo Việt Nam, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Bùi Hữu Dược: Chùa Vĩnh Nghiêm (còn có tên gọi là chùa Đức La) thuộc thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang ( trước kia thuộc xã Đức La, tổng Trí Yên, phủ Lạng Giang). Chùa tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương (gọi là ngã ba Phượng Nhãn). Chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc. Chùa Vĩnh Nghiêm có vị trí rất quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo ở Việt Nam từ xa xưa nên  những người theo đạo Phật từ thời ấy đã có câu:

“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm,

 Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”

Tương truyền chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự. Thời vua Trần Thánh Tông(1258-1278) có các vị cao tăng tu hành ở đây nên chùa được tôn tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông   (1258-1308), từ bỏ ngôi vua, xuất gia tu hành đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngoạ Vân (Yên Tử) thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sau này sáng lập lên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam ( Thiền phái Trúc lâm). Hương Vân cùng hai đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang sáng lập, hoàn chỉnh phái Thiền tông Việt Nam nên ba vị được gọi là Tam tổ. Một tấm bia chùa viết: “ Ðức tổ Điều Ngự (tức Trần Nhân Tông) khi mở Tùng lâm này (tức chùa Vĩnh Nghiêm), mở cả chợ chùa. Các vị vương thân quốc thích và khách thập phương đã phát tâm tậu nhiều ruộng cúng cho chùa, gồm cả ruộng trong xã và ruộng ở các hạt khác nữa”.

Nguyên chùa Ngoạ Vân do sư Hiện Quang trụ trì. Do Yên Tử là quê hương nhà Trần và nơi vua Trần Thái Tông lập phái Trúc Lâm ở đây nên Hương Vân Trần Nhân Tông thụ giới cả chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Ngọa Vân. Pháp Loa được ngài Hương Vân truyền pháp đã đi khắp nơi thuyết pháp, giảng bộ sách “ Thiền Uyển Truyền Đăng Lục”. Khi Hương Vân viên tịch, Pháp Loa làm lễ hoả táng, xây tháp mộ ở núi Yên Tử, dâng tôn hiệu là “ Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật” gọi là Trúc Lâm đệ nhất Tổ. Rồi Pháp Loa về chùa Vĩnh Nghiêm trụ trì, xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo, đào tạo Tăng đồ và xếp đặt Tăng chức, chỉ đạo các chùa trong cả nước. Pháp Loa cho đúc 1.300 pho tượng, được đặc trách định Tăng đồ, đã có hơn 15.000 tăng ni, đệ tử, trong đó có hơn 3.000 đắc pháp, mở 200 sở đường… Cho soạn lại các sách : Đoạn Sách Lục, Tham Thiền, Yếu Chỉ...

Chùa Vĩnh Nghiêm có quy mô lớn, tọa lạc trên khoảng đất rộng, bao quanh khuôn viên là luỹ tre dày đặc. Chùa được kiến trúc trên một trục, hướng đông nam gồm 4 khối: Toà Thiên đường, toà Thượng điện, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị và một số công trình khác. Mở đầu là cổng tam quan xây gạch, sau đó đi vào hơn 100 m là Bái đường (chùa Hộ). Từ ngày dựng chùa, hai bên đường được trồng thông để thành chốn tùng lâm, có cây đường kính gần 1m. Trên sân chùa có một tấm bia to, 6 mặt, dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606) với nội dung ghi lại việc trùng tu chùa năm đó. Đối diện với tấm bia cổ là vườn tháp mộ trong đó 5 vị sư có tên tuổi là các Hòa thượng: Phù Lãng Trung pháp (hiệu Sa môn), Thông Duệ ứng Duyên, Thanh Quý, Tịnh Phương Sa môn, Thanh Hanh và một số tháp khác.

Nhà văn Lê Hoài Nam: Được biết tại chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ khá nhiều mộc bản quý, ông có thể nói rõ hơn về chuyện đó?

Ông Bùi Hữu Dược: Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo, nơi đây tàng trữ các bộ ván khắc kinh Phật, xưa quy mô khu chứa ván kinh rộng tới 10 gian nhà. Tính tới nay những bộ ván kinh có từ 700 năm trước, là kho sách cổ vô cùng quý giá, như: Bộ luật sa di tỉ khiêu (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chỉ quán, Giới kinh ni... Nhiều kệ ván in kinh vẫn còn. Đó là kho ván khắc in, người xưa gọi là mộc thư khố là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm. Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán. Những bản khắc ở đây có niên đại sớm nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta. Từ những ván khắc đó, có thể in ra đủ biên lan, bản tâm, ngư vĩ, thiên đầu, địa cước. Biên lan có khung viền lề trang sách là một đường chỉ to và một đường chỉ nhỏ. Bản tâm cho biết tên sách, thứ tự trang sách. Thượng hạ Bản tâm có Ngư vĩ theo kiểu song Ngư vĩ. Tả hữu, thượng hạ Biên lan có Thiên đầu - Địa cước. Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng. Nghiên cứu mộc thư khố, chúng ta có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam.

Đặc biệt một số mộc thư giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với bản sơ đồ chỉ dẫn các huyệt rõ ràng. Hiện nay phòng mạch của nhà chùa vẫn kế thừa các bài thuốc ghi trong mộc thư để chữa các bệnh về thần kinh, đau xưng khớp và các bệnh về tiêu hóa.

Nhà văn Lê Hoài Nam: Vâng quả là một kho di sản quý. Vậy chúng ta đã và đang làm gì để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và truyền bá?

Ông Bùi Hữu Dược: Ngoài việc bảo quản cẩn trọng mộc bản kinh tại chùa, Việt Nam từng đệ trình lên UNESCO hồ sơ mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đề nghị công nhận là di sản tư liệu thế giới. Hồ sơ mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm cũng đã được UNESCO công nhận.

Nhà văn Lê Hoài Nam: Còn việc bảo tồn chùa Vĩnh Nghiêm thì như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Hữu Dược: Như tôi đã nói qua ở phần trên, chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang có vị trí rất lớn trong Phật giáo Việt Nam từ xa xưa tới nay, đó là chốn Tổ, là nơi Phát tích  của Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền riêng có của Phật giáo Việt Nam. Do đó mà hiện nay đã có một hệ thống chùa Vĩnh Nghiêm.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, một số vị sư người miền Bắc di cư vào Nam cùng với nhiều bà con Phật tử. để nhớ về chốn Tổ miền Bắc, năm 1964, hai hoà thượng Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm từ Bắc vào Nam truyền bá Phật giáo, đã cho xây chùa Vĩnh Nghiêm ở số 339, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.  Chùa theo nguyên mẫu thiết kế từ ngôi chùa gỗ nơi chốn Tổ, tỉnh Bắc Giang.

Ngoài các ngôi chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng trong nước, hiện nay ở nước ngoài cũng đã có nhiều chùa mang tên Vĩnh Nghiêm để nhớ về cội nguồn Phật giáo trong nước: Như ở Đức, Mỹ, Séc…đang làm cho ảnh hưởng của ngôi chùa Vĩnh Nghiêm lan xa và làm cho giá trị Phật giáo Việt Nam được truyền bá rộng khắp. Còn tại  chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang, đã và sẽ tiếp tục được chỉnh trang. Gần chùa Vĩnh Nghiêm Bắc giang hiện nay, đang xây một thiền viện rất lớn, có tên là Phượng Hoàng để các nhà tu hành truyền đạo pháp và các phật tử đến đây tu tập.

Nhà văn Lê Hoài Nam: Xin cám ơn ông Bùi Hữu Dược.

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
11:19 | 31/01/2013
17:30 | 15/01/2013
15:40 | 20/11/2012
11:00 | 19/09/2012
15:12 | 23/07/2012
19:28 | 09/05/2012
Đăng ký thành viên