15:40 | 20/11/2012
“Sứ mệnh là cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người thiệt thòi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”
Nhà văn Lê Hoài Nam (thực hiện)
* Đối thoại với Bà Bùi Thị Kim- Giám đốc DWC:
*Để thành công những việc lớn như mong muốn thì Tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận của Trung tâm hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em là thế nào, thưa bà?
Bà Bùi Thị Kim : Viễn cảnh mà DWC mong muốn là một Việt Nam không còn đói nghèo, nơi mà phụ nữ và trẻ em được tham gia vào tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và được hưởng các quyền lợi một cách công bằng.
Sứ mệnh mà DWC theo đuổi là cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người thiệt thòi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thông qua các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, tập huấn và trợ giúp các dự án và chương trình phát triển cộng đồng bền vững.
Hiện DWC có 15 cán bộ, hoạt động theo các nguyên tắc sau:
- Minh bạch trong mọi hoạt động và đảm bảo hiệu quả của các chi phí;
-Đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng;
-Tôn trọng sự đa dạng về văn hoá, xã hội của người dân địa phương;
-Khai thác nguồn nội lực, tạo tính sở hữu cộng đồng hướng tới phát triển bền vững;
-Tận tụy theo đuổi mục tiêu với sự sáng suốt và kinh nghiệm dày dạn của đội ngũ cán bộ tận tâm và vì cộng đồng.
Các cách tiếp cận của DWC: tiếp cận dựa vào cộng đồng, tiếp cận dựa vào nguồn lực và tiếp cận dựa trên quyền.
Tiếp cận dựa vào cộng đồng: Người dân là người ra quyết định và tham gia trực tiếp vào toàn bộ các bước trong chu trình quản lý dự án (xác định nhu cầu, xây dựng dự án, lập kế hoạch thực hiện và giám sát nhằm đảm bảo tính hiệu quả, hiệu suất và trách nhiệm giải trình, đánh giá dự án để rút ra bài học kinh nghiệm).
Tiếp cận dựa vào nguồn lực: Người dân phát huy nguồn nội lực, đóng góp tối đa vào quá trình phát triển, tạo tính sở hữu trong cộng đồng và hướng tới phát triển bền vững.
Tiếp cận dựa trên quyền: Nâng cao năng lực (kỹ năng và phương pháp) cho Chính quyền địa phương để họ làm việc có hiệu quả, hoàn thành trách nhiệm và đáp quyền cho người dân. Nâng cao năng lực cho người dân, đặc biệt là nhận thức về pháp luật để họ hiểu rõ nghĩa vụ công dân và biết thực hiện quyền của mình một cách hợp pháp.
*DWC đã được các tổ chức trong và ngoài nước nhìn nhận và đánh giá ra sao qua những hoạt động xã hội dân sự ?
Bà Bùi Thị Kim: Do cách làm việc hiệu quả và minh bạch, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương, DWC được chính quyền và người dân địa phương (nơi có dự án do DWC thực hiện) rất quý mến và tôn trọng.
DWC được các Bộ ngành liên quan của Chính phủ, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tổ chức Phụ nữ Liên hiệp quốc v.v…mời tham dự nhiều hội thảo tham vấn ý kiến trong quá trình xây dựng các chiến lược phát triển, soạn thảo Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản chính sách, pháp luật có liên quan.
DWC là một tổ chức có uy tín với nhiều Nhà tài trợ nước ngoài (Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Sỹ - SDC; Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới – BfdW và Tổ chức Misereor – CHLB Đức) về việc thực hiện các dự án minh bạch và hiệu quả.
DWC đã thực hiện nhiều dự án từ khi thành lập tại các địa bàn như: Sóc Sơn (Hà Nội), Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình…Nhờ thúc đẩy bình đẳng giới, quyền phụ nữ và quyền trẻ em, thúc đẩy sự tham gia của người dân và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương mà DWC đã có những đóng góp trực tiếp vào cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương (đặc biệt là người nghèo) thông qua các hoạt động như xây dựng cầu, cống, đường giao thông nông thôn, kênh mương, thư viện, nhà trẻ, nhà cộng đồng, các hoạt động nâng cao thu nhập, sản xuất phân vi sinh nhằm cải tạo đất và nâng cao năng suất nông nghiệp, đưa các kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp mới vào thực tiễn, kỹ năng quản lý kinh tế hộ cho các hộ nông dân nghèo...
*Theo bà, vấn đề đáng quan tâm nhất và cần hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em Việt Nam hiện nay là gì?
Bà Bùi Thị Kim: Việt Nam bị ảnh hưởng lâu đời của chế độ phong kiến và nho giáo nên phụ nữ chưa được bình đẳng với nam giới, trẻ em nói chung chưa có được các quyền của mình như đã quy định trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn công ước này. Đặc biệt trẻ em gái hiện bị phân biệt đối xử và bị thiệt thòi hơn so với trẻ em trai. Việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, quyền phụ nữ và quyền trẻ em cho cả xã hội (dân trí và quan trí) tiến tới bình đẳng thực chất (substantive equality) là một việc làm rất cần thiết, cần sự tham gia kiên trì của tất cả các bên liên quan trong xã hội. Hiện Việt Nam còn thiếu khá nhiều các chuyên gia am hiểu sâu về bình đẳng giới thực chất nên Chính phủ cần có chiến lược đào tạo các chuyên gia thực sự trong lĩnh vực này; các dự án/chương trình có liên quan cần được hợp tác với các tổ chức phi chính phủ.
Trẻ em vùng sâu vùng xa cần được hỗ trợ tốt hơn trong tiếp cận giáo dục (cơ sở hạ tầng, giáo viên có chất lượng) và các dịch vụ y tế;
Phụ nữ người dân tộc cần được quan tâm hơn, xóa mù và có kế hoạch đào tạo dài hạn để họ dần dần được tham gia vào các vị trí lãnh đạo ở địa phương…..
*Cùng với sự vận hành phát triển của xã hội, bà dự cảm về sự hoạt động của Trung tâm trong thời kỳ mới sẽ như thế nào? Bà đã có những chuẩn bị gì cho những hoạt động ấy?
Bà Bùi Thị Kim: Hiện DWC còn đang phụ thuộc 100% vào nguồn kinh phí của các nhà tài trợ nước ngoài. DWC chưa xây dựng được chiến lược phát triển lâu dài, vẫn đang chờ đợi và hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có các chính sách tạo môi trường thuận lợi hơn để các tổ chức xã hội nhân dân/dân sự (trong đó có các tổ chức phi Chính phủ Việt Nam như DWC) được tham gia đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Xin cám ơn bà.