11:19 | 31/01/2013
KTS Nguyễn Địch Long
Ngôi làng mang bản sắc quê hương và văn hóa Việt
Nhà văn Lê Hoài Nam ( thực hiện)
Nhà văn Lê Hoài Nam: Nhân dịp năm mới Quý Tỵ sắp về, thiết nghĩ chúng ta nói về ngôi làng – một nét văn hóa dân tộc chắc không phải là chuyện ngoài lề?
KTS Nguyễn Địch Long: Vâng thưa ông, thật tuyệt vời. Đến bây giờ người ta cũng chưa thể khẳng định được ở Việt Nam ta làng xuất hiện từ bao giờ, có nhiều từ rất đồng nghĩa với nhau như: trang, ấp, hương, thôn… nhưng từ làng có nghĩa đầy đủ hơn cả nó mang bản sắc quê hương vừa thiêng liêng, vừa gần gũi.
Tổ hợp không gian kiến trúc làng bao gồm nhà ở khu dân cư, các đình chùa đền miếu, các công trình văn hóa xã hội khác và đặc biệt mỗi làng hầu hết đều có một cổng làng là dấu ấn văn hóa rất riêng. Tổ chức không gian làng mang nét đặc trưng, bên ngoài là lũy tre vây kín, bên trong là hào nước và lối ra vào chính của làng là một cổng làng. Lịch sử chiến tranh giữ nước mỗi làng quê là một pháo đài. Trong kháng chiến chống Pháp, ở Hà Tây nhiều làng thuộc khu Cháy, Tam Hưng và nhiều làng quê khác thực dân Pháp tấn công vào làng đều bị thất bại. Mỗi làng là một bản sắc văn hóa riêng biệt tạo nên bản sắc văn hóa của cả dân tộc.
Nhà văn Lê Hoài Nam: Ông là Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Hà Tây (cũ); ông đã từng có những công trình sưu tầm bằng bài viết, bằng tranh ảnh về kiến trúc cổ ở một số làng quê Việt Nam. Ông có thể kể về quá trình nghiên cứu để hoàn thành những công trình đó?
KTS Nguyễn Địch Long: Vâng, tôi đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam giao cho thực hiện hai đề tài, một là: nghiên cứu về sự ra đời những cổng làng Việt có trên đất Hà Tây, hai là nghiên cứu về sự hình thành và phát triển cũng như định hướng phát triển ở trong thời kỳ đô thị hóa của ngôi làng Cự Đà xã Cự Khê huyện Thanh Oai.
Hà Tây xưa có trên 300 xã và mỗi xã có từ 3 - 5 làng, có xã tới 9 - 10 làng, cả Hà Tây có vào khoảng 1.500 làng. Làng thôn nào cũng có cổng làng, nhiều làng có đến 2 cổng. Cổng trước gọi là cổng Tiền dành cho sinh hoạt giao thương và chức sắc cấp trên về làng hay những bậc danh khoa vinh quy bái tổ. Cổng Hậu dành riêng đưa tiễn các vong linh về cõi vĩnh hằng. Nhiều làng có nhiều xóm, mỗi xóm có một cổng riêng. Làng Cự Đà có 18 cổng xóm là vậy. Do chiến tranh phá hoại, do nhận thức sai lầm một thời mà trong quá trình đô thị hóa nhiều cổng làng, cổng xóm đã không còn. Đến nay trên mảnh đất Hà Tây xưa chỉ còn lại khoảng trên 150 cổng làng.
Nếu không có một chính sách rõ ràng, một quy định cụ thể, một quy hoạch đúng đắn và một thái độ trách nhiệm của cộng đồng thì nơi đây các cổng làng cổ sẽ mai một và có thể sẽ biến mất nhanh chóng.
Gần đây, rất mừng là một số làng từ lãnh đạo đến nhân dân đã ý thức được vấn đề này, họ đã và đang tiến hành phục hồi một số cổng làng. Chẳng hạn, làng Vạn Phúc xứ Vạn Bảo Trang xưa, chính quyền và nhân dân địa phương đang cố gắng bảo tồn, tôn tạo và phát triển văn hóa làng một cách cụ thể đầy ý nghĩa, xứng danh với một nền văn hóa lâu đời mà bao thế hệ đã tạo dựng.
Nhà văn Lê Hoài Nam: Cũng trong quá trình nghiên cứu về làng Cự Đà mới thấy đây là một làng Việt Cổ giàu bản sắc và truyền thống văn hóa, anh suy nghĩ thế nào về sự mai một của làng quê văn hiến này?
KTS Nguyễn Địch Long: Tôi cho rằng cộng đồng dân cư làng Cự Đà đã được hưởng một nền văn minh hiện đại từ rất sớm. Quy hoạch làng xóm rất rõ ràng, khoa học. Con đường làng bám theo sông Nhuệ chạy dọc làng. Kết cấu làng như một đô thị hiện đại bên con sông Nhuệ xưa “bãi dâu nương lúa xanh rờn..”, nước quanh năm trong mát. Trên con đường trục của làng có 3 cổng chính cổng Thượng, cổng Trung, cổng Hạ được xây dựng từ năm 1886 nay chỉ còn cổng Trung. 18 xóm mỗi xóm là một đường nhánh nối với trục chính theo kiểu “răng bừa”. Bám vào đường xóm là hai dẫy khuôn viên. Mỗi hộ có diện tích chiếm đất từ 300m2 đến một sào bắc bộ, cũng có hộ còn lớn hơn. Những ngôi nhà đều quay chung về một hướng. Mỗi xóm là một chiếc cổng cổ, kiểu dáng không cái nào giống cái nào. Từ đường xóm dẫn qua trục đường chính là một bến đá xuống sông. Trước những năm 40 của thế kỷ trước, Cự Đà đã có điện, có đèn đường, thuyền bè chở hàng hóa, gạo củi, nông lâm sản, vậy liệu xây dựng… tấp nập ngày đêm như một trung tâm buôn bán sầm uất trong vùng. Làng Cự Đà có hàng trăm ngôi nhà cổ quí còn tồn tại đến ngày nay. Đặc biệt là còn vài chục ngôi biệt thự mang phong cách Pháp. Từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945, làng Cự Đà đã có nhiều “ông vua” nổi danh như: Vua ô tô, vua tàu thủy, vua ruộng đất, vua dệt…
Khi cơn lốc đô thị hóa ập đến làng Cự Đà, khi dân số trong làng đã tăng nhanh, với thái độ nghiêm túc của người nghiên cứu, chúng tôi đã đề nghị phải có kế hoạch và biện pháp cụ thể để bảo tồn giá trị của làng Việt Cổ đặc biệt có một không hai này. Muốn bảo tồn giá trị của nó cần có kế hoạch dành ra một quỹ đất để phục vụ công việc giãn dân. Quỹ đất này là giải cách ly giữa làng cổ và khu đô thị mới. Kiến trúc khu cách ly này đảm bảo hài hòa và là chiếc gạch nối đồng điệu trung gian giữa hiện đại của khu đô thị mới và khu bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa làng cổ.
Tiếc thay kiến nghị này không động lòng ai. Sự vô cảm đã trở thành bàn tay độc ác bóp nát làng cổ. Hiện nay ai qua Cự Đà đều không khỏi xót xa về sự dần biến mất của những ngôi nhà cổ. Cả làng Cự Đà đang là một công trường, ô tô chuyển vật liệu tấp nập vào ra và cát bụi mù mịt. Tôi đã ngậm ngùi viết một bài ký “Cự Đà một miền quê thương lắm” khi cơn lốc đô thị hóa đang hủy hoại mảnh đất này và nhiều vùng khác nữa.
Nhà văn Lê Hoài Nam: Đó là những công trình sưu tầm, đương nhiên là có cả tâm huyết nghệ thuật (như hàng trăm bức ảnh của ông về những cái cổng làng thì rõ ràng đó là những tác phẩm nghệ thuật); thế còn những công trình kiến trúc do ông trực tiếp thiết kế thì ông có thể nói điều gì về chúng?
KTS Nguyễn Địch Long: Như ông đã biết, từ trên ngàn năm nay, cha ông ta qua bao thăng trầm lịch sử dân tộc, những công trình kiến trúc còn tồn tại như một tượng đài sừng sững với non sông mà đến hôm nay lớp lớp cháu con cũng chưa học hết “nghĩa” được. Chúng ta đã trải qua bao cuộc binh đao khói lửa, lại qua thời bao cấp nặng nề rồi nền kinh tế lạc hậu, thiên nhiên hà khắc, đời sống còn thấp. Những kiến trúc mang nặng dấu ấn “tập thể hóa”, “bao cấp” và “đại công trường” một thời, nay hầu hết đã xuống cấp và lạc mốt. Là một kiến trúc sư tôi cũng ở trong tình trạng ấy. Những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tôi có thiết kế một chiếc hầm chống bom trực tiếp của sở công an ở xã Cộng Hòa, Quốc Oai. Khi tôi trở lại miền đất này, quả đồi đó họ đã san phẳng và trồng cấy nông nghiệp chỉ còn một khoảng hầm chơ vơ tàn tạ. Giá mà họ bảo tồn để ghi dấu một thời oanh liệt thì ý nghĩa biết bao. Chỉ công trình trường cấp 3 Sơn Tây bên Thành Cổ là còn nguyên vẹn mặc dù đã chịu bao sức ép của bom Mỹ. Nơi đây hàng chục thế hệ học sinh đã trưởng thành, có người giữ chức vụ cấp cao làm cho tôi rất tự hào. Thời gian qua khi chủ trương giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của Nhà nước ra đời, tôi có thiết kế phục hồi hai công trình là chùa Tứ Xã thuộc xã Bột Xuyên huyện Mỹ Đức và Cổng làng Vạn Phúc là thành công và được dư luận đánh giá tốt.
Chùa Tứ Xã là một ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia, được xây dựng vào thời Lê Trịnh thế kỷ XVI. Đây là một ngôi chùa cổ đẹp và đặc biệt có nhiều chi tiết kiến trúc có giá trị như đôi rồng đá thời Lý, những pho tượng cổ và những đá tảng đẹp. Ngôi chùa này trong những năm tiền khởi nghĩa các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng, Đỗ Mười đã về đây để hoạt động cách mạng. Đồng chí Văn Tiến Dũng đã là sư ông của ngôi chùa này. Vào năm 1942 chùa bị cháy trụi. Có một Phật tử người làng buôn bán ở Hà Nội đã công đức xây dựng lại ngôi chùa này. Nhưng do yêu cầu nhanh trong khi số tiền hạn hẹp nhân dân trong làng đã dựng lại ngôi chùa. Bên ngoài vẫn đủ rồng chầu mặt nguyệt, bộ tứ linh và đặc biệt có 4 đao cong vút mang dáng cổ xưa. Những cấu trúc bên trong chùa thì xây ngăn gian, những tường giữa cuốn vòm. Hiện tại công trình đã hoàn thành và đưa vào thờ cúng. Dáng vóc công trình từ bên trong đến không gian bên ngoài đều được thiết kế và phục dựng đúng như trước khi chùa bị cháy, nhân dân đánh giá cao cả về chất lượng thiết kế cũng như tay nghề của các nghệ nhân đương đại đã dựng thành công ngôi chùa này.
Cổng làng Vạn Phúc thiết kế theo phong cách kiến trúc dân gian mang ý nghĩa phong thủy và tâm linh tinh tế theo lối kiến trúc thượng điện hạ môn và tam quan, gạch xây là loại “gạch vồ” của Bát Tràng với công nghệ sản xuất gạch sa mốt chịu lửa
Nhà văn Lê Hoài Nam: Ông còn là người quan tâm đến sự hưng vong của những làng nghề Việt Nam. Ông suy nghĩ gì về những ngôi làng ấy.
KTS Nguyễn Địch Long: Vâng đúng là như vậy. Hà Nội ngày nay rất rộng về địa lý, đông về dân cư và nhiều vùng miền khác nhau. Xin phép ông tôi chỉ nói về mảnh đất Hà Tây xưa thôi vì tôi từng nắm vững nó. Hà Tây xưa nổi tiếng đất trăm nghề: Rèn Đa Sỹ và Thanh Thùy, Nón Chuông, Thêu ren Quất Động, Khảm Trai Chuyên Mỹ, May Comple Đại Xuyên, May áo dài Ngọ Xá, dệt lụa Vạn Phúc, dệt màn Phùng Xá, Trạm khắc Du Dự, Miến rong giềng Cự Đà, Vân Côn, may mặc và làm con giống Tam Hiệp, Vẽ tranh Kim Hoàng, Giò chả Ước Lễ, Mũ lá Tri lễ, Nem Phùng, Bánh kẹo La Phù, bún Cổ Đô, Rượu Trường Yên, ảnh Lai Xá, Mây tre đan Phú Vinh, đan lát tăm hương Canh Hoạch, nghề pháo Bình Đà, nghề Mộc Tràng Sơn vân vân và vân vân… Trong mỗi làng nghề, làng nào cũng có một bộ phận không nhỏ tách khỏi nghề nông ra làm nghề riêng. Ngày nay, sau khi một số làng nghề cây cảnh, cá vàng, tò he được du nhập và phục hồi từ đất Hà Nội cũ. Làng nghề trên mảnh đất Hà Tây cũ hôm nay càng thêm phong phú và nhuận sắc.
Nhà văn Lê Hoài Nam: Trong cơ chế thị trường hiện nay những ngôi làng ấy sản xuất và kinh doanh như thế nào? Nhà nước cần phải làm gì để những làng nghề vừa giữ được nghề cổ truyền vừa giữ mãi được bản sắc văn hóa dân tộc?
KTS Nguyễn Địch Long: Tuy nhiên, các làng đều chưa có một kế hoạch phát triển bền vững, chưa tạo ra một sản phẩm với thương hiệu thượng thặng, phát triển còn rất tự nhiên, chưa khẳng định chất lượng và công nghệ độc đáo, độc tôn, chưa tạo được vùng nguyên liệu chắc chắn và chưa hình thành sự liên kết hệ thống và chưa được tổ chức có bài bản, chưa có chiến lược phát triển dài hạn nên gặp phải thời kỳ suy thoái kinh tế như hiện nay, hầu hết các làng nghề đều gặp không ít khó khăn, thậm chí có nguy cơ không còn phù hợp với thị trường và thị hiếu khách hàng, nhiều làng nghề đứng trước tình trạng tàn kiệt và nguy cơ phá sản.
Tôi đã từng tham gia lập quy hoạch một số làng nghề và được biết nhiều làng nghề cũng có quy hoạch như vậy nhưng dường như đều đang trong lúc đâu đâu cũng gặp cảnh tiêu điều, thoi thóp. Bản quy hoạch cũng chỉ để trưng bày mà thôi.
Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương và hoạch định nhiều chính sách về làng nghề, giữ gìn nghề truyền thống gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là một việc làm cần thiết và mang ý nghĩa lớn lao, nhưng điều cần của nó là làm sao sát thực phù hợp với thực tế, đi vào lòng người, mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững. Không nên và càng không bao giờ nên đặt ra rồi làm chiếu lệ “đầu voi đuôi chuột” …
Nhà văn Lê Hoài Nam: Trong buổi đối thoại này chủ yếu chúng ta bàn về kiến trúc làng. Nhưng ông còn là một nhà thơ, vậy ông có bài thơ xuân nào tặng độc giả không?
KTS Nguyễn Địch Long: Tôi đã cảm nhận hết sức tâm đắc về bức ảnh cây gạo xù bên đường QL 21B thuộc địa phận làng Quảng Nguyên trên đường đi vào Chùa Hương. Mỗi độ xuân về hoa gạo nở đỏ như những chùm đèn thắp sáng bụi mưa xuân và cánh đồng lúa xuân đang trải màu xanh, một con trâu đang chăm chú gặm cỏ non của mùa xuân. Nhưng thật buồn đó là mùa hoa cuối cùng của cây gạo xù đã tồn tại hàng bao nhiêu thế kỳ, nay không còn nữa. Với tâm trạng ấy tôi đã da diết nhớ về nó và làm nên bài thơ “Xuân về cây gạo xù sao không trổ bông”, theo yêu cầu của ông, tôi xin tặng độc giả bài thơ này:
Mỗi mùa Chùa Hương vào hội
Bên đường xuân gạo ra hoa
Mỗi mùa lúa xanh con gái
Gạo giăng bông trắng la đà
Xuân này qua miền đất ấy
Đâu còn thấy gạo phơi bông
Bơ vơ bờ hoang mưa rắc
Gạo khô đen thẫm mặt đồng
Nghìn năm gạo xù đứng đó
Chở nghìn mùa xuân trở về
Nghìn năm gom mình ươm lửa
Cháy nghìn năm đỏ hồn quê
Giờ qua có gì trống vắng
Dấu xưa lặng lẽ đi rồi
Bỏ lại khoảng trời đầy nắng
Đường chiều hun hút sương rơi.
Nhà văn Lê Hoài Nam: Cảm ơn Kiến trúc sư – Nhà thơ Nguyễn Địch Long. Chúc ông xuân về Tết đến vơi nỗi buồn, thêm niềm vui mới.