“Bảo tàng đồng quê - nơi lưu giữ , tôn vinh bản sắc văn hóa Việt... sẽ mãi mãi trường tồn”

17:30 | 15/01/2013

Ngày 12/ 12/2012, gia đình Thiếu tướng Hoàng Kiền đã tổ chức cắt băng khánh thành Bảo tàng đồng quê. Đây là một trong Bảo tàng tư nhân đầu tiên lưu giữ những kỷ vật về đời sống của nông thôn Việt Nam và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.
“Bảo tàng đồng quê  - nơi lưu giữ , tôn vinh bản sắc văn hóa Việt... sẽ mãi mãi trường tồn”

 

*Phỏng vấn Thiếu Tướng Hoàng Kiền

                           Nhà văn Lê Hoài Nam (thực hiện)

Vì tình yêu cộng đồng - quê hương – đất nước

 Xuất phát từ đâu mà gia đình ông quyết định xây dựng nhà bảo tàng này?

Thiếu tướng Hoàng Kiền:   là người con sinh ra ở vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ, hai huyện Xuân Trường và Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, vợ chồng tôi xuất thân từ gia đình bần nông, rồi trở thành thầy, cô giáo. Với lòng yêu nghề, yêu trẻ, gắn bó với đồng ruộng làng quê; dù đi khắp mọi miền nhưng những ký ức sâu đậm về quê hương vẫn luôn trào dâng trong lòng Chúng tôi đều có chung ước nguyện: lúc xế chiều sẽ trở về quê vui thú điền viên với cuộc sống thanh bình nơi xóm làng đồng ruộng. Tôi và vợ tôi (cô giáo Ngô Thị Khiếu) khi bước vào đời đã chọn ngành giáo dục. Vợ tôi, đã có 35 năm dạy học ở 6 trường của 3 tỉnh, thành phố; đã đi hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, có tình cảm đặc biệt và nhiều kỷ niệm sâu sắc với các thế hệ học sinh mà mình đã dạy. Tôi rời bục giảng khoác súng lên đường ra mặt trận, rồi gắn bó với đời binh nghiệp trong suốt 42 năm qua.

Nhớ lại thời niên thiếu, chúng tôi sưu tầm một số hiện vật: cầy bừa, cào cỏ, gầu tát nước, đó lờ, chum vại... đã gắn bó với mình Chúng tôi luôn quan tâm đặc biệt đến các trường học ở mọi nơi khi gia đình chuyển đến sinh sống và công tác.

Năm 2009 được mời về dự lễ khánh thành Trường Mầm non của xã Giao Thịnh; trường xây dựng mới nhưng cơ sở vật chất khó khăn nhiều mặt; nơi vui chơi giải trí cho các lứa tuổi về quê rất thiếu thốn; tệ nạn xã hội còn nhiều. Vợ tôi đã đặt vấn đề xin mua một sào đất để xây dựng lập một thư viện cạnh trường và đem số sách mà gia đình sưu tầm, góp được trong mấy chục năm qua trưng bầy, phục vụ để giúp các cháu học sinh, người có thêm tài liệu tham khảo, góp phần nâng cao dân trí cho làng xóm vùng quê.

Ý tưởng đơn sơ đó đã được lãnh đạo xã, hợp tác xã, thôn, xóm ủng hộ, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Xuân Nghinh - Bí thư kiêm Chủ tịch huyện hoan nghênh, khuyến khích mở rộng diện tích ra để xây dựng thành Khu văn hoá Đồng quê. Khi chúng tôi đến thăm Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu cùng quê hương Xuân Trường, được Giáo sư ủng hộ, tận tình hướng dẫn, góp ý và tặng hai câu đối: "Giữ lấy tinh hoa từ thủa trước; Để cho con cháu mãi ngàn sau". Điều đó càng khích lệ chúng tôi thêm cao tâm huyết xây dựng Bảo tàng.

Nghe nói toàn bộ khu Bảo tàng là do chính Thiếu tướng – Kỹ sư tự vẽ thiết kế? Quá trình xây dựng nhà bảo tàng đã diễn ra như thế nào?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Khu Bảo tàng được quy hoạch tổng thể, dự án được địa phương xem xét, chấp thuận cấp đất xây dựng; việc quy hoạch kiến trúc, thiết kế sơ bộ có sự tham gia của các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng theo ý tưởng của chúng tôi; việc thiết kế bản vẽ thi công do chính tôi trực tiếp thực hiện, lập biện pháp thi công với quan điểm bình dân, triệt để tiết kiệm. Công trình được khởi công ngày 15/3/2011 và đến nay (2012)đã hoàn thành giai đoạn I, đến năm 2015 sẽ hoàn thành  toàn bộ. Quá trình xây dựng được sự cổ vũ, động viên của anh em, con cháu hai bên gia đình, của chính quyền các cấp địa phương, bà con làng xã, bạn bè thân thiết; các phóng viên báo, đài đã về tìm hiểu đưa tin tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn của Khu văn hoá Đồng quê; nhiều bạn bè viết thư, điện đến chúc mừng, hoan nghênh và đề nghị được tham gia đóng góp vào xây dựng Bảo tàng; đặc biệt là sự ủng hộ giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12, Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh, Sở văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, Công ty xây dựng Công trình Tân Cảng, Trung đoàn CB83/Quân chủng Hải quân, các Bảo tàng: Trường Sơn, Công binh, Nam Định, Hải Quân, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác nên dự án được xây dựng với tiến độ nhanh hơn và quy mô được bổ sung hoàn chỉnh hơn.

Được biết, các hiện vật trong bảo tàng của gia đình ông rất phong phú đa dạng, và rất quý nữa, vậy thì công việc sưu tầm diễn ra như thế nào?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Tôi là một cán bộ đang công tác trong Quân đội, thời điểm chuẩn bi làm nhà Baỏ tàng thì tôi được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý các Dự án xây dựng Đường Tuần tra biên giới; công việc rất bận rộn, không có thời gian, điều kiện nên tôi đã khuyên vợ tôi là chỉ làm một thư viện nhỏ thôi. Lúc này vợ tôi mới tiết lộ ra là hơn chục năm qua, vào những ngày nghỉ, cô ấy đã ngồi xe ôm đi khắp các tỉnh thành khu vực xung quanh Hà Nội để mua thu gom đồ cũ gọi vui là “đồng nát nhà quê”. Đến nay  gia đình đã sưu tầm được rất nhiều dụng cụ lao động, sinh hoạt của người dân đồng bằng Bắc Bộ qua các thời kỳ với hàng nghìn hiện vật: đồ đồng,  đồ sắt, đồ gỗ, đồ gốm sứ và các nông cụ khác...

Thấm đậm bản sắc văn hóa Việt

Bảo tàng đồng quê xây dựng trên một khu đất khá rộng rãi trong khi đó nhiều nơi các doanh nghiệp khi xin đất nông nghiệp làm nhà xưởng thường  gặp những trở ngại. Còn ông lại được người dân rất ủng hộ. Vì sao?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Khi được địa phương ủng hộ, vợ tôi đã lập Dự án và được bà con nhân dân thôn xóm tạo điều kiện đổi dồn ruộng đất đã quy hoạch làm thổ cư; được chính quyền các cấp xem xét, quyết định giao cho hơn 5.000m2 đất và cả khúc sông cụt lên tới gần 6.000m2 theo hình thức đất lập Dự án văn hoá thời gian là 30 năm với mức thuế nộp 1 lần là 213 triệu đồng. Tôi nghĩ người dân ủng hộ chúng tôi rất cao là bởi họ đã nhìn ra giá trị của Bảo tàng.

Thưa Thiếu tướng, ông có thể phác thảo những nét chính của khu Bảo tàng?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Khu Bảo tàng Đồng quê trước hết có 3 loại nhà tiêu biểu cho vùng đồng quê Bắc Bộ từ bao đời đến nay: Nhà mái rạ tường đất đại diện cho tầng lớp Bần cố nông, Nhà gỗ lợp bổi của tầng lớp Trung nông, Nhà xây lợp ngói Nam của tầng lớp Địa chủ; Nhà gác tường lợp ngói Tây tiêu biểu cho nhà nông thôn Bắc bộ thập niên 60 - 80 của thế kỷ 20. Các nhà ở đều là những nếp  nhà cũ có tuổi từ 70 đến hơn 100 năm, nguyên bản do người dân dỡ bỏ để xây nhà mới; chúng tôi  mua, dỡ về dựng lên với giá chỉ từ 5 - 9 triệu đồng 1 chiếc; chỉ có ngôi Nhà địa chủ gỗ lim hoàn toàn giá 100 triệu đồng; Nhà gác tường gỗ lim hoàn toàn thì do gia đình thông gia tại Hà Nội tặng. Trong 3 loại nhà đó có đồ đạc, dụng cụ sinh hoạt nguyên bản thể hiện cuộc sống, sinh hoạt của các tầng lớp dân cư đồng bằng Bắc Bộ từ thời phong kiến cho đến ngày nay.

Hoành tráng nhất là tòa nhà cao tầng, tòa nhà đó được dùng trưng bày những gì?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Nhà cao tầng là trung tâm trưng bày hiện vật đồng quê. Đi theo cầu thang ngoài trời lên tầng hai nơi trưng bày các loại công cụ lao động trong nông nghiệp; các loại công cụ nghề biển, nghề muối đã gắn bó với nông dân, ngư dân, diêm dân hàng trăm  năm qua. Dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng rất nhiều chủng loại, số lượng lớn hàng nghìn hiện vật từ cổ đến kim đặc trưng cho đồng bằng Bắc Bộ và miền biển. Đặc biệt là bộ sưu tập đồ đồng (khoảng 200 chiếc nồi đồng, 200 chiếc mâm đồng, 50 chiếc chậu đồng, hơn 100 chiếc đèn cổ, mỗi chủng loại có đủ kích cỡ từ nhỏ nhất đến lớn nhất, với trọng lượng tổng cộng khoảng 2 tấn). Bộ sưu tập tiền cổ với hơn 1 tạ tiền xu các loại, 2 kg tiền giấy Đông Dương. Kèm theo bộ sưu tập đồ gốm, đồ sành, đồ sứ đa dạng phong phú; mấy chục chum, choé đựng nước các loại. Những đồ dùng của cư dân từ bần nông đến địa chủ thời phong kiến, được sưu tầm khá đầy đủ.

Tầng ba là một thư viện với hàng nghìn đầu sách được sắp xếp gọn gàng trên các giá với nhiều chuyên đề, bao gồm: sách cũ, sách mới, cả sách xuất bản thời Pháp thuộc, thời chế độ cũ ở Miền Nam có giá trị nghiên cứu. Các loại sách phong phú đa dạng đáp ứng nhu cầu đọc của nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi, như bộ sách về cây thuốc Đông Dương, bộ sách về phong tục tập quán, sách về lịch sử, sách về Hồ Chí Minh, sách về nông nghiệp, sách về Quân đội nhân dân Việt Nam, sách về ẩm thực, sách về Nam Định, sách về thiếu nhi, sách về thơ ca, văn học nghệ thuật và nhiều bộ tạp chí...; có đủ bàn ghế phục vụ người đọc; có máy vi tính nối mạng truy cập Internet kết hợp với giới thiệu hình ảnh thôn quê ngày nay.

Tầng bốn có phòng họp là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo khuyến nông. Có màn hình ti vi lớn để chiếu giới thiệu các phim tư liệu, khoa học; là nơi đàm đạo văn thơ, vui chơi cờ tướng.

Còn tầng một nữa, chưa thấy Thiếu tướng nói đến?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Tầng một được bố trí tương đối độc lập trưng bày một số hiện vật hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, nó gắn với cuộc đời quân ngũ của tôi, thể hiện hồi ức của một người chiến sĩ Công binh. Mảng chủ đề chính là những hiện vật, hình ảnh về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thầy giáo Kiền rời bục giảng khoác súng lên đường ra mặt trận, rồi suốt 6 năm chiến đấu, công tác ở đây. Mảng về truyền thống của Bộ đội Hải quân, có đặc trưng là xây dựng và bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, trong đó Kỹ sư, Sỹ quan Hoàng Kiền gắn bó với Hải quân 16 năm có 3 năm ở Bạch Long Vỹ, 8 năm ở Trường Sa đã đưa hàng trăm người dân quê hương ra tham gia xây dựng Trường Sa trong suốt hơn hai mươi năm qua. Mảng truyền thống "Mở đường thắng lợi" của lực lượng Công binh với các hình ảnh, hiện vật về mở đường, đào hầm hào, rà phá bom mìn vật nổ của địch,... phía sau là một số hầm hào tái hiện lại một số hoạt động của Bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ. Tiếp theo là một số hình ảnh về xây dựng đường Tuần tra biên giới, một công trình kỳ tích đã và đang được xây dựng mà tôi đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới từ năm 2007 đến nay.

Ở vị trí trung tâm có đền thờ Bác Hồ, một công trình văn hoá tâm linh của người Việt, thể hiện lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc được nhân dân ở mọi miền đất nước tôn thờ.

Ngoài các ngôi nhà như đã nói, Bảo tàng còn những gì nữa, thưa thiếu tướng?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Khu nghề truyền thống có nhà dệt chiếu; cói trồng trong Khu Bảo tàng; cắt, chẻ, phơi, dệt thành chiếu. Có khu thực hành làm men rượu, nấu rượu theo phương pháp cổ truyền; rượu sạch, thơm từ lúa nếp đồng quê mà làng Bỉnh Di nổi tiếng 200 năm qua, nay đang dần bị mai một đi nhiều.

Khu ẩm thực với các món ăn dân dã vùng quê một thời đã gắn với người dân nghèo khổ mà nay lại là món ăn lạ, thậm chí còn được nhiều người nơi thị thành ưa thích.

Có khu thể thao, vui chơi giải trí: bóng bàn, cầu lông, cờ tướng phục vụ nhân dân và du khách đến tham quan.

Trong khu vực Bảo tàng còn bảo tồn những loại cây đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ có nguy cơ mất giống như: cậy, chay, thị, giành giành, vối, tre, sắn thuyền, lúa tám thơm... có các loại cây rau mầu: ngô, khoai, sắn, dong... Một số cây ở Trường Sa, Trường Sơn, cây từ nước bạn Lào mang về, các loại cây gỗ đặc trưng của rừng nhiệt đới Việt Nam. Các loại vật nuôi: cá, tôm, cua, ốc, rạm, cáy, gà ri, lợn ỉ, các loại chim vùng đồng bằng.

 Đặc trưng hơn nữa là có mô hình trâu kéo cầy, bò kéo bừa ở ruộng lúa nước, người nông dân phát bờ, cuốc góc, móc cua, đơm cá,... có các loại gầu tát nước như: gầu gỗ, gầu guồng, gầu dây.

Trên kênh mương, hồ ao có xuồng bơi, vó bè, vó kéo tay; những nhà chòi là nơi giải trí ngồi câu cá thưởng thức ẩm thực, rượu Bỉnh Di, ngắm những cánh diều bay bổng trên trời xanh với hàng chục loại đa dạng phong phú, nghe tiếng sáo diều ...

Ruộng lúa nước nho nhỏ vừa trồng lúa, vừa thả các loại cua, cáy, ốc, góp phần nhân giống. Lúa tám thơm, lúa nếp được trồng lưu truyền; gặt bằng liềm, hái cổ xưa, đưa lên sân gạch, trục đá người kéo, người đẩy, thóc đưa vào cối xay, cối giã, gạo đem làm men, nấu rượu, làm bánh thôn quê.

 

*Triển vọng Bảo tàng

Khi công trình Bảo tàng hoàn thànhtoàn bộ , nó sẽ được đưa vào hoạt động thế nào?. Ông có dự cảm gì về tương lai của loại hình này?

Thiếu tướng Hoàng Kiền: Bảo tàng Đồng quê là một Dự án văn hoá tư nhân do cô giáo Ngô Thị Khiếu, vợ tôi làm chủ xây dựng, đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn I với vốn đầu tư hơn 4 tỉ đồng, cùng với hàng trăm ca xe máy, hàng nghìn công lao động một phần của gia đình, một phần là sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân ở mọi miền của đất nước và nhân dân địa phương. Với đội ngũ nhân viên quản lý từ 5 - 7 người, trong đó có 2 người có trình độ Đại học, 1 người có trình độ Cao đẳng. Trước mắt gia đình bán lô đất do Quân đội cấp ở Hà Nội để chi phí cho xây dựng, gửi tiết kiệm lấy lãi để trả lương hàng tháng; đồng thời kết hợp làm một số dịch vụ để từng bước bảo đảm đủ trang trải cho đội ngũ nhân viên và các chi phí cho hoạt động của Bảo tàng. Về lâu dài chúng tôi sẽ hiến tặng Bảo tàng này cho địa phương quản lý để duy trì hoạt động sao cho có hiệu quả mãi mãi. Nơi đây sẽ trở thành một địa điểm hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, thực hành về đời sống sinh hoạt và những công việc của người nông dân vùng quê Bắc Bộ xưa và nay. Bảo tàng Đồng quê sẽ trường tồn, ngày càng được bổ sung phong phú cùng với sự đi lên của quê hương Giao Thịnh - Giao Thuỷ - Nam Định thân yêu.

Xin chúc mừng và cám ơn Thiếu tướng.

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
11:19 | 31/01/2013
17:30 | 15/01/2013
15:40 | 20/11/2012
11:00 | 19/09/2012
15:12 | 23/07/2012
19:28 | 09/05/2012
Đăng ký thành viên