15:33 | 30/07/2012
Trong ký ức học trò
Bút ký của Lê Hoài Nam
Tính đến thời điểm tôi viết bài ký này, thầy Trương Tham ra đi được hơn 60 ngày. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Minh, phó hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương vừa bay từ Quy Nhơn ra Hà Nội để cám ơn tất cả những ai đã gửi lễ viếng đám tang thầy. Trong cuộc gặp gỡ của nhóm học sinh cũ thầy Tham có ba người tên là Minh đều có những kỷ niệm không dễ quên về thầy.
Anh Phạm Đức Minh, quê xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, học sinh khóa 1965 - 1968, kể: Anh là con một gia đình nông dân nghèo, nhưng học giỏi văn nên được thầy Tham rất yêu quý. Thầy đang dậy dở dang lớp của anh năm lớp 9, Trường cấp II-III Nghĩa Hưng thì có quyết định điều chuyển thầy lên trường Mỹ Lộc. Thầy làm thủ tục cho Minh chuyển trường theo thầy. Lên trường mới thầy để Minh ở cùng phòng. Thầy bao nuôi chăm sóc Minh như con. Hôm thầy Trương Tham mất, Phạm Đức Minh (cùng với Phạm Quang Huy, Nguyễn Văn Minh) bay từ Hà Nội vào Quy Nhơn lo đám tang, chít khăn trắng tiễn biệt thầy y như một người con tiễn biệt cha.
Chàng đại tá công an Nguyễn Văn Minh cũng hồi tưởng lại: Minh quê ở Vĩnh Linh. Những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ, nhà nước ta có chính sách đưa một số học sinh đất lửa khu bốn có hoàn cảnh đặc biệt ra miền Bắc học hành. Nguyễn Văn Minh cùng với 45 đứa học sinh khác được đưa ra Trường Phổ thông cấp ba Vụ Bản - Nam Định. Số học sinh này được hưởng những chế độ ưu tiên, hầu hết họ học hành rất chăm chỉ. Nhưng cũng có những đứa vì nhớ nhà, nhớ người thân, đau đáu nỗi lo bom đạn ở quê mà học hành chểnh mảng. Vào một kỳ nghỉ hè nọ, thầy Trương Tham quyết định thực hiện một chuyến đi vào khu bốn thăm những gia đình học sinh. Thời chiến, tàu xe khó khăn, thầy đã đi bộ từ Vụ Bản - Nam Định vào Nghệ An, qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh. Thầy đi dưới gầm trời máy bay phản lực Mỹ gầm rú, bom thả phía trước, đạn bắn phía sau. Gặp gỡ với các phụ huynh cần gặp xong, thầy trở ra Bắc mang theo những bức thư của họ động viên con cái. Kể từ đấy số học sinh “tư tưởng” mới yên tâm học tập.
Nguyễn Thị Phương Minh, phó hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, cũng là học sinh thầy Trương Tham, thế hệ sau 1975. Phương Minh kể: Sau 1975, thầy Trương Tham rời miền Bắc về thành phố Quy Nhơn, quê gốc của thầy, dậy học. Cái nỗi niềm sầu sứ của một người con xa quê lâu ngày làm cho mỗi bài giảng văn của thầy càng thêm có cảm xúc, hồn cốt hơn. Thầy thường được phân công dậy đội tuyển học sinh giỏi. Lần nào đội tuyển của thầy đi thi cũng có những em đạt giải. Trong số hàng trăm em được giải thì đã có 8 em đạt giải nhất văn quốc gia.
Có em học sinh tên là Hoàng Lâm ở Quảng Trị, nghe tiếng thầy Trương Tham đã gọi điện vào Quy Nhơn xin được “học từ xa” môn văn của thầy. Thầy Tham chỉ giảng văn qua điện thoại cho Lâm vậy mà Lâm cũng đạt một cái giải nhất môn văn cấp tỉnh.
Học sinh của thầy Trương Tham bây giờ có nhiều người trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo dậy văn tâm huyết. Trong số những học sinh giỏi văn do thầy Trương Tham dìu dắt thời còn ở Nam Định, có một anh đi bộ đội vào chiến trường rồi trở thành nhà thơ nổi tiếng. Hết chiến tranh, nhà thơ này chọn thành phố Hồ Chí Minh làm nơi định cư, lấy vợ, sinh con. Đứa con đầu lòng của anh ra đời dị dạng, chết yểu, hậu quả từ chất độc da cam. Biết tin, thầy Trương Tham điện cho anh bảo hãy tìm cách mang thi hài đứa con xấu số ra Quy Nhơn để thầy được lo phần mộ cho cháu, và sau này khi thầy về cõi thì chôn thầy bên thằng bé. Nhà thơ không thể không làm theo nguyện vọng của người thầy đáng kính.
Bây giờ ngôi mộ của thầy Trương Tham ngự liền kề ngôi mộ của thằng bé tại nghĩa địa Phật giáo. Cách đó không xa là nghĩa trang Ghềnh Ráng - Đồi Thi Nhân, nơi có ngôi mộ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Trên ngôi mộ của thằng bé mà thầy Trương Tham lo xây cất có khắc một câu thơ do thầy viết “Vĩnh hằng là con cháu của văn chương”. Còn trên ngôi mộ của thầy Trương Tham do đồng nghiệp và học sinh mới xây có bốn câu thơ của nhà thơ, bố thằng bé:
Lời thầy đưa em vào văn hào sảng
Giọng thầy Tham rung động cả cô Kiều
Từng trang sách nằm im nghe thầy giảng
Dậy văn mà dậy cả tấm lòng yêu.
Cảm thấy truyền giảng văn chương trên lớp chưa đủ, thầy Trương Tham còn viết rất nhiều bài bình văn, bình thơ cho học sinh đọc thêm. Những bài bình ấy sau này dồn lại, nhà xuất bản in thành ba tập sách. Có bài bình thầy chê cả những nhà văn tên tuổi. Nhưng lại có bài bình thầy khen một nhà văn mà chưa ai từng nhắc đến. Tóm lại, cứ tác phẩm hay, mang lại một giá trị nào đó cho học sinh là thầy viết. Thầy có cái khí chất khẳng khái, tinh tế của kẻ sĩ Bắc Hà hòa quyện với sự ngay thẳng nghĩa khí của con người đất võ Bình Định. Khí chất ấy nó hiện rõ trong văn của thầy. Khí chất ấy ở thời chúng ta đang sống, nó phù hợp với người chuyên đứng lớp hơn là người làm quản lý. Mà chừng như thầy Trương Tham cũng không ham hố gì chuyện chức tước. Ngoài danh hiệu nhà giáo ưu tú, chức to nhất của thầy chỉ là anh tổ trưởng tổ văn. Thầy rất dị ứng với sự giả trá, hư hão. Những năm gần đây khi môn văn không còn được học sinh hào hứng đón nhận, thầy rất đau, đau âm thầm từng đêm. Thầy rât muốn làm một điều gì đó để góp phần chấn hưng việc dậy và học văn. Nhưng ở vị trí của thầy biết làm gì hơn là gửi gắm tâm trạng qua những trang viết? Thầy nói với tôi trên điện thoại: “Trách các em một phần thôi, còn người lớn mới là những kẻ đáng trách, bởi người lớn là những kẻ không hiểu đúng, không hiểu hết giá trị của công việc dậy và học văn. Nhà trường xem nhẹ môn văn đã là rất đáng ngại. Xã hội mà tẩy chay văn chương nghĩa là chuẩn bị cho một quá trình suy đồi, em ạ!”.
Thầy Trương Tham lập gia đình nhưng cuối cùng vẫn độc thân. Cái kiểu thầy lấy vợ có gì đó giống như trong cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ” nổi tiếng của Vichto Huy-gô. Tại ngôi trường thầy dạy có một cô giáo rất xinh đẹp. Ở cái thời đỉnh cao của sắc đẹp, chẳng hiểu cô quan hệ với bạn trai thế nào đễn nỗi quá đà, hậu quả là cô bị kỷ luật, cho thôi đứng lớp, chuyển xuống làm nhân viên thư viện. Vào đúng thời điểm mà cô chán nản bi quan nhất, mọi người nhìn cô bằng thái độ khinh nhờn nhất thì thầy Trương Tham có mặt bên cô như một chàng Giăng- Van giăng tìm cách cứu cô Phăng-tin ra khỏi vũng lầy. Quả là khi có cô ấy cuộc đời, thầy Trương Tham đã có những ngày tháng rất hạnh phúc. Nhưng rồi thầy bắt đầu nhận ra cô chẳng có nét tính cách nào của Phăng-tin, càng không có một chút gì của Cô-dét. Cô đọc sách chẳng qua để giải cơn buồn ngủ chứ chẳng cần quan tâm cuốn sách ấy nó hàm chứa điều gì. Cô không thích chơi hoa, nét cá tính này ngược hẳn với thầy Trương Tham. Trái lại, cái mà cô cần ở thầy Trương Tham thì thầy lại không có. Sự khác biệt quá lớn khiến họ phải chia tay.
Thầy Trương Tham lại quay về với cuộc sống một mình lẻ bóng. Những đứa con nuôi của thầy đều đã có gia đình riêng, có nhà cửa. Thầy chọn con chó, con mèo làm bạn. Thầy săn sóc chăm bẵm, yêu thương chúng như con. Thầy thường thức trắng đêm cùng trang văn và những điếu thuốc lá. Thầy hút thuốc quá nhiều. Đó chính là căn nguyên gây ra căn bệnh viêm phế quản mãn, dẫn đến sự ra đi của thầy.
Tôi, người viết bài ký này tuy không có hân hạnh trực tiếp học một tiết văn nào của thầy Trương Tham, nhưng vốn kiến văn từ thầy tỏa ra thì ít nhiều tôi cũng được thụ hưởng. Và cũng nhờ văn chương mà thầy trò tôi giữ mối liên hệ với nhau. Tháng giêng năm nay, từ Bình Định thầy gửi ra Hà Nội cho tôi một tập bình văn mới, kèm bức thư ngỏ ý muốn tôi viết một bài giới thiệu, nhưng do công việc, tôi chưa kịp làm thì thầy đã qua đời. Bởi vậy, tôi viết bài ký này với hy vọng là một nén tâm nhang tưởng nhớ thầy, mong được thầy tha thứ.
Hà Nội, hè 2012