11:43 | 19/09/2012
Phóng sự của Nguyễn Hạnh Mai
Ngày nay các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ xu hướng tính dục hình thành và phát triển ở mỗi cá nhân như thế nào. Nhiều giả thuyết khác nhau giải thích về nguồn gốc của xu hướng tính dục, từ các yếu tố về gien và hóc- môn hay những trải nghiệm từ thời thơ ấu. Chỉ biết rằng với nhiều người, xu hướng tính dục được hình thành rất sớm thông qua những tương tác phức tạp về sinh học và các yếu tố tâm lý và xã hội.
Xu hướng tính dục rất đa dạng. Dị tính (người khác giới). Đồng tính (người cùng giới). Song tính (cả hai giới). Đó là những xu hướng tính dục bình thường, tự nhiên của con người.
Chúng ta đều hiểu xu hướng đồng tính không giới hạn trong một đối tượng nhất định nào. Người đồng tính có ở mọi lứa tuổi, mọi nền văn hóa, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, địa vị và nghề nghiệp.
Người đồng tính không phải là bệnh hoạn, rối loạn tâm thần hay vấn đề về cảm xúc.
Trên thực tế, người đồng tính bị kỳ thị và bị bạo lực nghiêm trọng.
Kỳ thị về chất, ghê sợ, coi những người đồng tính là điên và bệnh hoạn, khinh bỉ những hành vi tình dục của họ là vô đạo đức. Xã hội đối xử không công bằng với người đồ ng tính: gây áp lực, ngăn cấm, hắt hủi, trừng phạt dẫn đến bạo lực. Người đồng tính nữ chịu nhiều thảm khốc hơn đồng tính nam.
Tình trạng người đồng tính bị bạo lực
Hoa Kỳ hằng năm có khoảng 50.000 đến 100.000 đồng tính nữ và 500.000 đồng tính nam là nạn nhân của bạo lực.
Tại Việt Nam ngày 17-8- 2011 lần đầu tiên Hội thảo về bạo lực gia đình liên quan đến người đồng tính do CSAGA, CCIHP, iSEE và DOVIPNET tổ chức. Bà Hoàng Tú Anh Trung tâm Sáng kiến Sức Khỏe và Dân số (CCIHP) khẳng định:
- Bạo lực đối với người đồng tính là khá phổ biến và bao gồm cả thể xác, tinh thần, đến từ chính những người thân trong gia đình. Các hành vi bạo lực này không mang lại kết quả như họ mong muốn, thậm chí còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tinh thần, cho người đồng tính. Nhiều người đồng tính mất đi cơ hội được yêu, mất người yêu, bị đẩy ra đường, bị cưỡng bức tình dục, bị quan hệ tình dục không an toàn gây nhiễm HIV.
Ông Lê Quang Bình Viện nghiên cứu Kinh tế- Xã hội- Môi trường (ISEE) nói:
- Cho đến thời điểm này, tuy xã hội đã cởi mở và chấp nhận người đồng tính, lưỡng tính, chuyển đổi giới tính, song việc công khai là điều vô cùng khó khăn. Một nghiên cứu đồng tính nam cho thấy 34,8% trả lời “gần như bí mật”, 32,44% “hoàn toàn bí mật”. Chỉ có 2,49% “công khai”. Hiện nay, luật phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam vẫn chưa nhắc đến nhóm ngượi bị bạo lực đồng tính.
Mới đây, Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) nghiên cứu trực tuyến về kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực với người đồng tính tại trường học cho biết:
- 40,7% cho rằng đã từng bị bạo lực và phân biệt đối xử trong trường học. Hình thức bạo lực phổ biến nhất là xúc phạm, bị châm chọc, mỉa mai, bị đánh thâm tím cơ thể, bị ngăn cấm chuyện tình cảm… do họ có cách ăn mặc, đi lại, giao tiếp khác biệt với số đông người.
Hậu quả của việc bị bạo lực trong trường học làm cho người đồng tính luôn căng thẳng, người phải bỏ học cấp ba, người muốn tự tử, một nửa số họ đã tự tử không thành, số đông họ cảm thấy chán ghét bản thân, nghi ngờ, đau khổ không biết mình là ai? Không muốn kết bạn với ai, thay đổi tính cách, trầm uất, tự hành hạ bản thân, sống giả dối, sống che đậy, sống hai mặt, nhân cách méo mó.
Người đồng tính không có đường thoát, phần lớn bị bạo lực từ gia đình, cha mẹ, người thân. Các hình thức phố biến là mắng, chửi, xỉ nhục, đánh đuổi ra khỏi nhà, cưỡng hôn, ép quan hệ tình dục khác giới…
Những câu chuyện thê thảm
Bạo lực gia đình với người đồng tính luôn diễn ra hằng ngày tại Việt Nam và thế giới. Nhiều người đã kếu cứu,, kể ra những câu chuyện thê thảm. Nhiều người im lặng chết trong âm thầm quằn quại.
1. Suni sinh viên tại Luân Đôn, bị cha mẹ nghi ngờ đồng tính đã nhốt trong nhà ba tháng liền và buộc anh kết hôn với người khác giới. Suni kể “Tôi bị giam ở nhà trong ba tháng cha mẹ luôn đánh đập tôi. Cuối cùng tôi đã trốn thoát ra khỏi gia đình. Vô gia cư. Không tiền bạc”.
2. Mẹ Xuân muốn con thoát “căn bệnh quỉ ám”, đã nhiều lần bày binh bố trận, để một người bạn trai ngủ lại qua đêm với con gái. Xuân van xin mẹ không nên làm như vậy. Mẹ đã nhốt Xuân vào phòng, tịch thu điện thoại. Xuân đã tự rạch tay mình, tìm đến cái chết, nhưng không thành. Nhờ bạn giúp, Xuân đã trốn nhà, ra khỏi bàn tay xiềng xích người mẹ của mình.
3. Thảo phải rời nhà tha hương cầu thực vào một tỉnh miền Nam xa xôi. Em cũng như bao bạn đồng tính, tự kỳ thị chính mình, nhưng em đã không thể làm thế nào khác được. Em khóc lóc xin ba mẹ thừa nhận. Nhưng ba đã xích em vào một góc nhà, cạo trọc đầu. Thảo phá xiềng xích ra đi. Rồi một ngày, ba mẹ đau lòng hiểu ra thừa nhận cho em yêu một người con gái.
4. Chị Tuyến đi xuất khẩu lao động, yêu một người cùng giới. Gia đình biết tin buộc chị phải từ giã người yêu, về Việt Nam. Mẹ chị lấy cái chết ra để ép chị phải về. Đến sân bay, chị được anh trai và gia đình đưa vào khoa thần kinh Bệnh viện Bạch Mai. Chị sống cô độc giữa tiếng chì chiết của mẹ. Chị phải gồng mình để sống, và bệnh trầm uất hành hạ chị. Không thuốc nào chữa nổi.
5. Một nữ sinh tâm sự:
“Mẹ em đọc nhật ký lúc đó thì mẹ sợ em đua đòi, vì nghĩ em đua đòi bị ảnh hưởng, nhột em ở trong nhà một tháng hè. Em như người phát điên phát khùng. Tâm trạng của em điên luôn. Cuối cùng em cắt tóc. Bố mẹ nhìn trố mắt, định cho em đi bệnh viện tâm thần. Em nói với bố mẹ: “ Con không bị làm sao cả. con rất bình thường, con học hành như mọi người. Chỉ duy nhất là giới tính của con. Con không thể thích người khác giới. Con chỉ yêu người cùng giới thôi, tự nhiên nó như thế rồi.”
6. Chị ấy bị ép buộc điều trị. Chị ấy không đồng ý đến bệnh viện. Người nhà ép đến viện. Mỗi lần phản ứng lại là người ta tiêm cho liều thuốc, lăn ra ngủ. Tỉnh dậy đòi về, lại bị tiêm thuốc, lại lăn ra ngủ. Toàn liều thuốc nặng. Chị bảo: “Em cũng chẳng hiểu thuốc gì mà bây giờ chân tay run, bệnh của người già. Người ta chữa từ lợn khỏe sang lợn ốm”.
7. Cách đây mấy tháng em yêu Thúy. Mẹ em gần như chết đi sống lại. Bà cứ đòi nhảy xuống Hồ Tây tự tử. Bố mẹ em dẫn em ra Hồ Tây bắt em thề với bố mẹ cắt đứt quan hệ với bố mẹ, coi như không có gia đình, muốn đi đâu thì đi.
Những hành xử bạo lực kể trên đã dẫn đến những hậu quả không nhỏ. Nó khiến nhiều người đồng tính trở nên rối loạn tâm lý, trầm cảm, đau khổ, không ít người tự tìm đến cái chết.
Một số chính sách hỗ trợ người đồng tính
Bản chất của bạo lực gia đình với người đồng tính là sự không hiểu biết về xu hướng tình dục đa dạng của con người.
Các bậc phụ huynh cố gắng giữ bình tĩnh để nhìn nhận đúng đắn về xu hướng tình dục đồng giới. Tình dục đồng giới là một xu hướng tự nhiên, đã xuất hiện và tồn tại ngay từ khi có sự xuất hiện của loài người. Xu hướng tình dục đồng giới, dị giới, lưỡng giới là những xu hướng mà con người không thể tự lựa chọn được. Đó là những cảm xúc rất thật ở mỗi người.
Một người mẹ khi nhận ra rằng đồng tính không phải là một căn bệnh như người ta thường nghĩ và người đồng tính là người hoàn toàn bình thường, nhiều người có tài năng trong lao động sáng tạo, bà đã bộc bạch đầy đau xót: “Tôi rất đau lòng vì đã không giúp đỡ con mình sớm hơn. Tôi đã không ở bên cạnh con vào thời điểm con gặp khó khăn và cô đơn nhất”.
Cùng với những vận động không ngừng cho sự bình đẳng nam- nữ. Tại một số quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này đã truyền sâu vào ý thức cộng đồng dể hình thành nét văn hóa nói không với bạo lực người đồng tính. Tại các nước Tây Âu và Bắc Âu nhà nước đã bình đẳng hóa các hình thức ngăn chặn bạo lực với người đồng tính.
“Đội phòng chống cưỡng hôn” của Anh đã hỗ trợ nạn nhân hoặc những người có nguy cơ bị cưỡng hôn, bạo lực do đồng tính.
Tại Thụy Điển “Tổ chức Dịch vụ khẩn cấp xã hội” tiếp nhận cung cấp nơi ở và duy trì việc học tập của các thanh thiếu niên dưới 18 tuổi bị gia đình ruồng bỏ bởi xu hướng tình dục đồng tính của họ.
Thụy Điển có luật về hoạt động tình dục đồng giới. Ngày 1-5- 2009, Thụy Điển thực hiện Luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Từ năm 2000 đến nay, mười quốc gia hoàn toàn hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính: Hà Lan, Tây Ban Nha, Canada, Bỉ, Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Iceland, Argentina, Nam Phi.
Tại Việt Nam với sự tham gia của các phương tiện truyền thông và các tổ chức phi chính phủ trong, ngoài nước, những người đồng tính đã được xã hội và gia đình nhìn nhận đúng đắn hơn. Nhiều cơ quan tư vấn, chăm sóc giúp người đồng tính tự tin là mình.
Ngày 10- 10- 2010. Cộng đồng tính nữ lần đầu tiên diễu hành tại Việt Nam, bằng xe đạp ngang qua những tuyến đường trọng điểm của Sài Gòn. Tất cả các thành viên tham dự được khoác trên mình một chiếc áo đồng phục mang những sắc màu cầu vồng quen thuộc của lá cờ đồng tính bảy sắc cầu vồng: sắc áo đỏ, cam, vàng, xanh lá, xanh dương, tím.
Ngày 25- 2- 2011 bộ phim tài liệu đồng tính nữ đầu tiên của Việt Nam được trình chiếu, với sự tài trợ của Đại sứ quán Thụy Điển. Lần đầu tiên những hình ảnh thật, đời thường của năm đôi bạn đồng tính nữ được đưa lên màn ảnh gửi gắm thông điệp về “Quyền được yêu của người đồng tính”.
Cuốn sách “Thuận Tay Trái” vừa ra mắt bạn đọc kể những câu chuyện có thật về cuộc sống của đồng tính nữ tại Việt Nam. Ấn phẩm như một cuốn cẩm nang không chỉ giúp những người đồng tính hiểu hơn về mình, tự hào về bản dạng của mình, mà còn giúp những người quan tâm đồng tính nữ nhận ra những giá trị của sự đa dạng, đón nhận và cùng tạo nên một môi trường lành mạnh và an toàn cho những người đồng tính, để tránh những bi kịch đau lòng.
Bạn có thể tìm thông tin về đồng tính và xu hướng tính dục tại:
-Trung tâm ICS- Trung tâm về quyền của người đồng tính song tính và chuyển giới.
- Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường.
- PFLAG Việt Nam- Diễn đàn Cha mẹ, Người thân và bạn bè của Người đồng tính và Chuyển giới.
Tình dục và Quyền con người
Năm 2009 Hội đồng Quốc tế về Chính sách và Quyền con người đã in sách Tình dục và Quyền con người. Đây là một báo cáo thảo luận xem xét các tuyên bố hiện nay về quyền con người trong mối liên hệ với tình dục, đặt trong cấu trúc và tiến trình thực thi quyền con người một cách chính thống. Báo cáo cho thấy sự thiếu kết nối một cách khó chấp nhận, nhưng có thể đoán trước được, giữa quyền tình dục và quyền con người nói chung vẫn tiếp tục cản trở sự tiến triển của các chính sách tiến bộ nhất quán trong lĩnh vực này. Chúng ta biết rằng vẫn có những thế lực phản đối quyền tình dục và các hoạt động trên toàn cầu ủng hộ quyền tình dục, do vậy, sự kết nối càng trở nên cần thiết. Là một tổ chức hoạt động độc lập, mục tiêu của Hội đồng Quốc tế về Chính sách Quyền con người (ICHRP) là hỗ trợ đưa ra các quan điểm rõ ràng hơn về quyền tình dục, đặc biệt là thúc đẩy các thảo luận và tranh luận có ích cho quá trình vận động của các tổ chức phi chính phủ, và cho cả các hoạt động nghiên cứu và xây dựng chính sách.
Sự nhất trí gần đây về các nguyên tắc hỗ trợ thực thi quyền tình dục khẳng định: “Mọi người trưởng thành đều có quyền như nhau về có tình dục đồng thuận ở nơi riêng tư, không bị phân biệt đối xử, không bị ép buộc, bị bạo lực hay đe dọa đến sức khỏe của mình, và mọi người đều có quyền quyết định về sinh sản khi có hoạt động tình dục”.