18:03 | 10/05/2012
Phóng sự của Nguyễn Hạnh Mai
Kẻ mê vườn như tôi, suốt đời không có nổi một “tấc đất cắm dùi”. Thế nên cứ thấy vườn là mê. Tôi mê từ mảnh vườn hoang hoả nơi thôn cùng xóm vắng đến vườn đồi đá cát sỏi sơn khê. Tôi mê vườn trong những giấc mơ mê man của Tổ tiên dòng giống.
Mới đây, nghe đồn ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Mạng lưới An ninh Lương thực và Giảm nghèo (CIFPEN) thuộc Hội làm vườn Việt Nam, và là thành viên Liên mạng vận động Chính sách (INPA) của các tổ chức Xã hội, đã mang tiếng nói người dân từ những góc ao vườn heo hút Việt Nam đến với hội nghị FAO lần thứ 31 tại Hà Nội.
Chúng tôi đến thăm ông Thành tại trụ sở Trung tâm nghiên cứu & Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) tại Cung Trí Thức thành phố Hà Nội.
Ông Thành thừa nhận tin đồn trên là có thực. Ông mời chúng tôi thăm không gian những mô hình vườn ao chuồng do CIFPEN cùng người dân xây dựng qua hệ thống tư liệu sách, tờ rơi, hình ảnh, bài nghiên cứu…
Ông nói:
- Mục đích của nông nghệp bền vững là kiến tạo một hệ thống bền vững về sinh thái, có tiềm lực về kinh tế, có khả năng thoả mãn những nhu cầu của con người mà không làm ô nhiễm môi trường. Nông nghiệp bền vững đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ công bằng xã hội cũng như bảo vệ và duy trì bản sắc văn hoá dân tộc.
Từ tư tưởng đó, ông Thành cùng các cộng sự, ngày đêm lội ruộng, bùn, đất, gặp từng người dân trong những góc ao tù, vườn vắng, cùng họ làm nên ánh sáng trong lành, tạo những mô hình vườn ao chuồng (VAC) ôm ấp, bao bọc, nuôi sống con người và bảo vệ trái đất.
Những mô hình VAC bền vững:
Các mô hình VAC giờ đây đã trở nên bền vững, lan toả khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S đến với toàn cầu.
Mô hình Biogas tạo khí sinh học từ phân, nước rác, thành năng lượng đun nấu, thắp đèn, chạy máy nổ phát điện… Biogas làm sạch môi trường, đầu tư ít, sử dụng vài chục năm, đang lan rộng tới các hộ nông dân Việt Nam và các nước Campuchia, Cộng hoà Kenya, Cộng hoà Tanzania áp dụng.
Kinh nghiệm của ông Thành là đào tạo kỹ thuật viên chuyển giao kỹ thuật trực tiếp xây hầm Biogas. Thông qua các “Tổ cung cấp dịch vụ Biogas” ký hợp đồng cho các hộ gia đình.
Mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Là loại phân bón các hộ nông dân có thể tự làm từ phế thải nông nghiệp như: phân trâu, bò, lợn, gà, rơm rạ, cỏ dại, thân cây ngô, đậu, lạc, mía… và được ủ men vi sinh. Phân vi sinh giảm lượng phân hoá học, tăng năng suất cây trồng, giảm sâu bệnh, tăng độ mùn cho đất, trồng rau sạch.
Hiện nay đã nhiều vùng nông dân sản xuất và dùng phân vi sinh. Kinh nghiệm của CCRD là làm cho mọi người đều hiểu lợi ích của phân vi sinh và chính quyền các cấp vào cuộc cùng người dân.
Mô hình bếp đun cải tiến ĐK theo phương thức thương mại hoá dùng nguồn chất đốt rơm rạ ở nông thôn và miền núi gồm bếp xây cố định, bếp xách tay, lò xao chè, lò sấy nông sản.
Bốn dòng sản phẩm này đã thành thương hiệu mang tính phục vụ “Cộng đồng là khách hàng”. Nhiều tỉnh và trường học đã sử dụng bếp. Các tỉnh từ Thái Nguyên, đến Thanh Hoá, Sóc Trăng đã có nhiều kỹ thuật viên hoạt động theo thị trường. Bảy nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh đến học tập.
Mô hình khai thác thuỷ hải sản bằng lưới rê hỗn hợp. Lưới rê là ngư cụ bị động, như bức tường chắn ngang đường đi của cá, tôm, ghẹ, mực. Lưới rê là nghề truyền thống phổ biến ở Việt Nam, đánh bắt ở nhiều tầng nước khác nhau, thu nhiều loại hải sản, công nghệ đơn giản. Nghề lưới rê hỗn hợp đang trở lại với bà con Thanh Hoá, Nghệ An, Nam Định…
Mô hình nuôi giun quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm trong hộ gia đình.
Mô hình nuôi ong lấy mật tăng thu nhập cho người nghèo và dân tộc miền núi. Nuôi ong mật không quá vất vả, thu hoạch nhanh nhiều sản phẩm bổ dưỡng cho người, tăng thu nhập, gần thiên nhiên.
Mô hình trồng rau hữu cơ, là loại rau trồng mà không dùng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học hay bất kỳ chất gây biến đổi gen nào. Một số hộ gia đình có đất trồng rau liên kết thành vùng trồng rau hữu cơ. Rau được bón bằng phân hữu cơ tự làm. Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch và Hội nông dân Việt Nam đang cấp chứng nhận sản phẩm rau hữu cơ cho các hộ tại Sóc Sơn- Hà Nội.
Mô hình di ương nuôi cá rô phi vua đơn tính Đài Loan, cá lóc, cá rô đồng. Cá rô phi gốc Đài Loan, thịt thơm ngon, có giá trị xuất khẩu. Cá rô đồng, cá lóc gần gũi nông dân Việt Nam đang mất dần trong ruộng, ao đầm đang được di ương cá giống từ Nam bộ ra cung ứng cho các hộ miền Bắc. Ông Hạnh ở Đông Triều - Quảng Ninh nuôi cá thu lãi 50 triệu đồng/ năm…
Mô hình khuyến nông viên, kỹ thuật viên, trợ giúp nông dân hoạt động theo cơ chế thị trường. Đào tạo kỹ thuật viên từ người nông dân trong cộng đồng. Họ là những người sản xuất giỏi, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, dịch vụ, thương mại… được chọn đào tạo các mô hình sản xuất hộ gia đình như trên để họ tự làm và hướng dẫn các hộ khác cùng làm.
Mô hình nhóm nông dân cùng sở thích. Thành lập các nhóm nông dân cùng thích thú nuôi cá, trồng sắn, ngô khoai, rau sạch, nuôi bò, lợn… để họ hỗ trợ, trao đổi cùng nhau. Nhiều cuộc hội thảo đầu bờ giúp nhau tăng năng suất, mở thị trường bán sản phẩm…
Mô hình củng cố và phát triển hệ thống giống lúa nông dân. Vấn đề bảo tồn nguồn gen lúa thuần chủng quí hiếm, địa phương đang đặt ra cấp bách trước sự xâm thực của các giống lúa biến đổi nguồn gen từ thế giới thử nghiệm lợi dụng đưa vào Việt Nam. Các giống lúa bản địa quí đã dần bị mất đi đáng báo động.
Mô hình VAC và cách tiếp cận mới của mạng CIFPEN. VAC viết tắt của Vườn – Ao - Chuồng là tiếp cận với từng người nông dân các vùng đất khác nhau, cùng nhau tiếp nhận khoa học, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, tự nâng cao nguồn lương thực, thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Từ những kết quả đạt được nhiều năm qua, ông Thành cho biết:
- Hữu xạ tự nhiên hương. Nhiều tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu đã tới cùng chúng tôi leo đồi, lội ruộng, nắm tay từng người nông dân cùng họ làm ra sản phẩm nuôi sống họ, và xuất khẩu nuôi sống người dân toàn cầu. Và tôi cùng những người nông dân Việt Nam “Chân lấm tay bùn” được mời bay đến thành Rome, nước Ý, tới trụ sở Tổ chức lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp Quốc (FAO) truyền kinh nghiệm.
Tiếng nói trước diễn đàn FAO 31/ Hanoi:
Hà Nội tháng 3 - 2012. Hội nghị Asia - Pacifc CSO Consultation/FAO 31/Hanoi gồm các vị Bộ trưởng Nông nghiệp tham dự. Ông Thành được FAO mời mang tiếng nói của những người nông dân Việt Nam đến nghị trường.
Ông Thành đã đặt lên bàn nghị sự FAO 31/Hanoi bản tham luận “An ninh lương thực hộ gia đình dựa vào nông nghiệp bền vững và sản xuất ở qui mô nhỏ/hộ gia đình”.
Bản tham luận đầy tính thuyết phục, hướng nhân loại quay về mảnh đất dưới chân mình, thay vì sự nhớn nhác tìm kiếm xa xôi, bất lực.
Bản tham luận vạch ra thực trạng các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tập trung vào “công nghiệp hoá nông nghiệp”. Bên cạnh những lợi ích choáng ngợp trước mắt, đang tiềm ẩn những bất ổn về an ninh lương thực.
Các nghiên cứu về hiện trạng đói nghèo ở các nước châu Á - Thái Bình Dương cho thấy “Hơn 560 triệu người châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn trong tình trạng thiếu dinh dưỡng, chiếm hơn một nửa số người đói nghèo trên thế giới. Hàng trăm triệu người thiếu các vi chất cần thiết thuộc diện “nạn đói ẩn”. Giá lương thực tăng trong khu vực và trên thế giới đang làm hàng triệu người nông dân, những người phải mua lương thực lâm vào cảnh đói. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang đe doạ đói nghèo thêm hàng triệu người trong những thập kỷ tới” …
Ở Việt Nam chính sách “Công nghiệp hoá nông nghiệp” đã giúp có những tiến bộ nổi bật. Tuy nhiên, an ninh lương thực còn là tính ổn định, bền vững và cách tiếp cận để có lương thực. Nhiều người nghèo Việt Nam vẫn còn trong tình trạng bất ổn về lương thực và đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như mất đất, suy thoái đất, thất nghiệp, thương mại không công bằng, thiên tai, lụt, hạn hán, mưa lũ thường xuyên… Đặc biệt đáng ngại là quyền của họ về sản xuất lương thực và tài nguyên đất đai sản xuất bị coi nhẹ”.
Những tiềm ẩn rủi ro của công nghiệp hoá nông nghiệp là tình trạng bất bình đẳng gia tăng. Vùng sâu vùng xa nghèo tài nguyên, dân tộc thiểu số mắc nợ vay tiền mua nguyên liệu đầu vào như thuốc trừ sâu, phân hoá học, máy móc… Gia tăng ngộ độc thuốc trừ sâu, phân hoá học. Sức khoẻ người dân cộng đồng suy giảm. Đất và môi trường ô nhiễm, sói mòn.
Theo đánh giá của Action Aid năm 2011, năm 1980 - 2000 phân hoá học sử dụng trên 1ha tăng 6 lần ở Thái Lan, gần gấp đôi ở Trung Quốc, 30 - 80% đạm đưa vào môi trường làm ô nhiễm nước và không khí. Ở Nam Á và Đông Á khoảng 74% đất nông nghịêp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm hoá chất. Nông nghiệp châu Á góp phần gây biến đổi khí hậu. Nông nghiệp châu Á chịu trách nhiệm 40% tổng phát thải nhà kính của nông nghiệp toàn cầu.
Vấn đề cấp bách là mỗi người dân phải “Tự cứu mình, trước khi Trời cứu”
Giải pháp xây dựng nên nông nghiệp bền vững:
Nông nghiệp bền vững được gọi là nền nông nghiệp sinh thái hay nền nông nghiệp thay thế. Là một cách tiếp cận từ việc công nhận và tôn trọng quyền con người đối với lương thực.
Đây là phương thức canh tác dựa trên hệ thống tự cung cấp và sinh thái nông nghiệp, thúc đẩy khả năng của nông dân sản xuất qui mô nhỏ và hộ gia đình, nhằm đẩy mạnh tiếp cận và sở hữu nguồn lực sản xuất của họ như: đất đai, nước, rừng và giống, sử dụng chúng để bảo đảm sinh kế, với hỗ trợ của các phương pháp và công nghệ phù hợp các tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường.
Nông nghiệp bền vững đề cập đến khả năng canh tác tạo ra thực phẩm dinh dưỡng mà không đe doạ đến cạn kiệt đất, ô nhiễm hoá học, chất thải, hệ sinh thái xấu đi, huỷ hoại con người, đồng thời giảm thiểu việc phụ thuộc vào các nguyên liệu đầu vào bên ngoài…
Ưu điểm của nông nghiệp bền vững qua các mô hình VAC Việt Nam là người nông dân chi phí sản xuất, vay nợ ít hơn. Sản lượng lớn hơn. Môi trường không ô nhiễm hoá chất độc hại. Tăng độ phì nhiêu của đất. Sản phẩm sạch và an toàn. Tăng việc làm cho phụ nữ nông dân, sức khoẻ cải thiện, bữa ăn giàu thực phẩm tươi sạch. Quyền con người được tôn trọng, tình làng nghĩa xóm gắn bó hợp tác. Gia đình đoàn tụ trong một đơn vị sản xuất bền vững, qui mô nhỏ.
Từ mô hình VAC bền vững của Việt Nam, trước diễn đàn FAO 31/Hanoi, ông Thành khuyến nghị:
Cần ưu tiên phát triển nông nghiệp bền vững thúc đẩy an ninh lương thực quốc gia và hộ gia đình, cải thiện sinh kế cả những nông dân sản xuất nhỏ và hỗ trợ quá trình thích ứng biến đổi khí hậu để xây dựng chiến lược nông nghiệp bền vững quốc gia. Chính phủ cần tăng chi tiêu vào khuyến nông, chuyển đổi phương thức, chiến lược hỗ trợ tri thức và các mô hình tới từng hộ gia đình. Giảm khoảng cách thương mại giữa người sản xuất và người tiêu dùng, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của các hộ nông dân. Đầu tư giao thông, cơ sở hạ tầng tới các thôn làng. Xây dựng khả năng làm việc nhóm của người nông dân để tiếp cận khoa học, thị trường và vận động chính sách. Đã đến lúc người nông dân tự biết tổ chức nhau sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền sống của chính mình.
Tiếng lành đồn xa. Tiếng dữ đồn xa. Tiếng dữ huỷ diệt kẻ tham ác bất nhân, chà đạp lên đồng lúa, con người.
Tiếng lành toả sáng ánh mắt, nụ cười của người nông dân Việt Nam qua VAC giúp tôi giải toả Strees bởi nỗi đau mất đất, mất vườn, làm cho bầu không khí ô nhiễm bao trùm phố phường làng xã Việt Nam. Tôi nguyện cùng anh Thành và CEFPEN, cùng những người Việt Nam thương mình như thương người nông dân đang ngày đêm “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” cất cao tiếng nói trên diễn đàn Việt Nam và quốc tế, để giữ đất, giữ nhà, giữ làng, giữ nước.