Hỗ trợ người bị bạo lực gia đình

16:06 | 20/11/2012

Với sự hợp tác của các tổ chức Phi chính phủ (NGO) Việt Nam và Quốc tế, lần đầu tiên Hội nghị Quốc gia về Phòng chống bạo lực Gia đình 1012 “Thu hẹp khoảng cách Từ Luật đến Cuộc sống”, đã được tổ chức tại Hà Nội (ngày 27- 28 -9- 2012 ).
Hỗ trợ người bị bạo lực gia đình

 

 

                                   Phóng sự của Nguyễn Hạnh Mai

      

 Mục đích diễn đàn đưa ra tiếng nói chung của phụ nữ bị bạo lực, nhằm phản hồi về hiệu quả các can thiệp đối với bạo lực gia đình từ quan điểm của người trong cuộc.

Đưa ra các thông điệp và kiến nghị chung của phụ nữ bị bạo lực về phương pháp tiếp cận có nhạy cảm giới đến những người làm luật và thi hành Luật phòng chống bạo lực gia đình. Đặc biệt là cấp cơ sở.

Nâng cao năng lực và bảo vệ và chuẩn bị tâm thế cho những phụ nữ bị bạo lực được lựa chọn cách giải thoát bạo lực.

Thực trạng bạo lực gia đình với phụ nữ

Trong lời khai mạc bà Nguyễn Vân Anh - Chủ tịch Hội đồng sáng lập CSAGA nhấn mạnh tình trạng:  “Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ba ngày có một phụ nữ bị chết vì bạo lực gia đình.87% bị bạo lực chưa bao giờ tìm đến sự hỗ trợ. 1/5 phụ nữ bị bạo lực trốn khỏi nhà một đêm, nhưng không có chỗ trú ẩn.”

       

Khảo sát đa số phụ nữ tại Hòa Bình và Hà Nam bị bạo lực gia đình. 61,4% chị phải chịu ít nhất một lần bạo lực. Trong đó, bạo lực tinh thần chiếm 47,6%.

Nguyên nhân gây bạo lực, được nhiều chị nói đến là do rượu chè, cờ bạc, khó khăn kinh tế, người chồng gia trưởng, thiếu hiểu biết, trọng nam khinh nữ… 63,29 % do rượu. Phụ nữ người Kinh bị bạo lực nhiều hơn phụ nữ Mường.

Ngoài ra, những bạo lực âm thầm như việc cưỡng ép tình dục, cấm đoán giao tiếp với nhà ngoại… chị em ít nói ra. 70,2 %  phụ nữ Hà Nam có xu hướng chịu đựng chồng cưỡng ép tình dục.

Các biểu hiện tàn bạo phổ biến như:

Chia rẽ tình cảm giữa vợ và người trong nhà. Đặt những biệt danh hạ nhục. Ép xem phi khiêu dâm. Đánh đập trước hoặc sau khi quan hệ tình dục. Đuổi ra khỏi nhà không cho tiền, tư trang. Dùng hung khí gây thương tích. Gây sợ hãi hoảng loạn. Kiểm soát những hành vi cá nhân quá mức làm mất tự do. Ngang nhiên quan hệ với người phụ nữ khác. Bắt phụ thuộc kinh tế, ở nhà làm nội trợ. Kiểm soát chi tiêu của vợ gắt gao…

Khi các loại bạo lực kinh khủng đó xảy ra, phụ nữ âm thầm chịu đựng.

        

Phụ nữ bị bạo lực gia đình rơi vào im lặng đáng sợ, dẫn đến tình trạng trầm cảm, suy kiệt, chết dần chết mòn trong im lặng.

Nghiên cứu thực trạng phụ nữ bị trầm cảm sống trong gia đình có chồng bạo hành ở Thành phố Hồ Chí Minh  (tỷ lệ 67,55%).

Chị em biểu hiện những dấu hiệu tinh thần suy sụp: buồn bã, mất hứng thú tình dục, thay đổi trong ăn uống, giấc ngủ chập chờn, mê sảng, khóc lóc, mệt mỏi, kiệt sức, lo lắng, bồn chồn, tức giận, cáu kỉnh, bi quan, khó tập trung chú ý, tự chỉ trích, mặc cảm thất bại, mặc cảm bị trừng phạt, thất vọng về bản thân, thiếu quả quyết, mất hứng thú với người khác, ý nghĩ muốn tự tử, đã tự tử…

Phụ nữ bị bạo lực nói gì?

16 chị - 16 mảnh đời khác nhau từ khắp vùng miền đất nước tham gia hội nghị. Họ chia sẻ những câu chuyện cuộc đời mình, những trăn trở khát khao yêu thương và đều mơ ước “Tất cả các phụ nữ đều không phải chịu cảnh bạo lực”.

Chị Lan đến từ Hà Nam nói:

- Đến với diễn đàn tôi rất vui vì được gặp gỡ các chị em cùng cảnh ngộ. Mỗi người một câu chuyện, một cảnh riêng. Không ai giống ai. Tôi thấy ấm áp vì được chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình. Thông qua cuộc đời của tôi, tôi muốn nói với tất cả những người đàn ông rằng: “Hãy yêu quí và biết tôn trọng vợ con”.

Thông điệp từ Hội nghị: “Phá vỡ sự im lặng”.

Luật phòng chống bạo lực gia đình đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1- 7- 2008. Ba năm thực hiện luật, các nghiên cứu cho biết khoảng cách từ luật đến cuộc sống còn quá xa vời. Hành động phổ biến nhất của chính quyền và những người xung quanh là hòa giải. Trên cả nước Việt Nam, chỉ có một biện pháp hòa giải, xoa dịu các mâu thuẫn, kể cả các mâu thuẫn dẫn đến việc ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa đến tính mạng. Việc áp dụng luật xử lý người gây bạo lực còn ở mức độ rất nhẹ. Các cấp chính quyền địa phương không biết luật và các văn bản quy phamh pháp luật phòng chống bạo lực gia đình.Vì vậy, Lời kêu gọi từ diễn đàn phụ nữ bị bạo lực

đến những người có trách nhiệm trong thi hành luật Phòng chống bạo lực gia đình:

Tất cả cán bộ chính quyền các cấp, đặc biệt cấp xã phải có kiến thức về luật Phòng chống bạo lực gia đình và Bình đẳng giới.

Tôn trọng quyền của người bị bạo lực gia đình khi can thiệp bạo lực gia đình.

Không đưa yêu cầu người bị bạo lực phải có đơn tố cáo thì mới can thiệp.

Nhạy cảm với bạo lực gia đình và sẻ chia, hỗ trợ. Có mặt kịp thời ngăn chặn bạo lực. Can thiệp toàn diện, dứt điểm, không bỏ lửng.

Xử lý nghiêm người gây bạo lực theo luật. Không đổ lỗi cho người bị bạo lực.

Tuyên truyền luật liên tục ở nơi người dân sinh sống và hướng dẫn người bị bạo lực ra khỏi tình trạng nguy hiểm.

Chúng tôi cũng như mọi người khác đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và không đáng bị sống trong bạo lực. Chúng tôi mong muốn tất cả người dân và người có trách nhiệm thực thi luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cùng chung tay với chúng tôi để chấm dứt bạo lực.”

Hỗ trợ của các Tổ chức Phi Chính phủ 

Thạc sĩ Lê Minh Thi (Trường Đại học Y tế Cộng đồng) nghiên cứu Quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam Trường hợp về Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã khuyến nghị: “Nội dung Luật còn khá chung chung. Muốn cải thiện quá trình hoạch định chính sách thì điều tra ban đầu cần được thực hiện một cách khoa học, làm bằng chứng vững chắc cho quá trình xây dựng chính sách”. 

Tác giả Đoàn Tiến Dũng gửi thông điệp:

“Bạo lực gia đình có nguyên nhân gốc rễ từ bất bình đẳng giới. Các định kiến về giói. Quan niệm bất bình đẳng giới khá phổ biến trong cuộc sống.

Để Luật đi vào cuộc sống đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực, cụ thể, hiệu quả của nhiều cấp, nhiều ngành và sự hưởng ứng của người dân ở cộng đồng”.

Bà Nguyễn Kim Thúy nêu bài học kinh nghiệm truyền thông dựa vào các tình huống thực tế, giúp người dân nhớ lâu, và cung cấp các kỹ năng để áp dụng cho từng người bị bạo lực.

Bà Mai Thị Bưởi - Trung tâm CSAGA trình bày kết quả của Nghệ thuật và quy trình sáng tạo trong thay đổi hành vi bạo lực gia đình của nam giới. Họp các ông lại một CLB cùng nhau chia sẻ tâm lý, thông tin, cách ứng xử với phụ nữ…

Anh Bùi Văn Nhau (Hòa Bình) đã thay đổi nhận thức: “Tôi học được nhiều về hình thức bạo lực gia đình và có thêm tinh thần về gia đình và cộng đồng, về nói với vợ con việc đi học thế này, vợ con cũng thoải mái.”

Vợ anh Thành nói: “Cảm ơn CLB, vì từ ngày chồng tôi đi sinh hoạt, chồng tôi không bảo thủ, không ép buộc tôi và không gây bạo lực”.

Anh Quang tâm sự: “Giờ thì lúc bực mình tôi đi ra ngoài hít một hơi dài, nghĩ đến một điều buồn cười nào đấy, rồi mới quyết định làm gì?”

Một số tổ chức phi chính Việt Nam và Quốc tế thực hiện một số nghiên cứu đưa ra các rào cản Luật khó đi vào cuộc sống.

Thiếu nhân lực được đào tạo tốt để làm công tác phòng chống bạo lực. Thiếu kế hoạch hoạt động và ngân sách. Các quan niệm bất bình đẳng giới còn phố biến trong nhóm cán bộ địa phương nên chưa xử lý được người gây bạo lực. Bỏ qua bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần.

Trong các nỗ lực đi tìm giải pháp để thu hẹp khoảng cách giữa Luật và cuộc sống, các tổ chức CSAGA, CCIHP đã khởi xướng mô hình thử nghiệm đầu tiên về phòng chống bạo lực dựa trên cơ sở giới. Các mô hình thử nghiệm tập trung vào các hoạt động can thiệp chính: nâng cao năng lực cán bộ địa phương, dịch vụ tư vấn, truyền thông, xây nhà tạm lánh cho chị em bị bạo lực, Câu lạc bộ nam giới…

 

B0X:

        Văn phòng hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới tại Nhà A9 Cốm Vòng, Đường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.

       Đường giây tư vấn miễn phí: (04) 3775 93 39.

 

 

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
14:44 | 31/01/2013
21:01 | 15/01/2013
20:51 | 15/01/2013
16:06 | 20/11/2012
11:43 | 19/09/2012
11:35 | 23/07/2012
18:03 | 10/05/2012
Đăng ký thành viên