Sửa đổi Hiến pháp là một quá trình tất yếu...

19:12 | 09/05/2012

Sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng với mỗi quốc gia bởi vì Hiến pháp được coi là Luật cơ bản - Luật gốc - Luật khung… Hơn thế nữa, Hiến pháp có thể nói là Tuyên ngôn của mỗi quốc gia cho một thời kỳ lịch sử dài lâu...
Sửa đổi Hiến pháp là một quá trình tất yếu...
Ông Nguyễn Vi Khải, Nguyên Viện trưởng Viện CNXH KHOA HỌC

Đặt vấn đề & Phương pháp luận

  •  Tiến tới việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Đảng và Nhà nước ta có Chủ trương tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Nội dung tổng kết đã được triển khai tại khắp các tỉnh thành và các cơ quan ban ngành trong 6 tháng qua. Có thể nói việc Tổng kết này không dừng lại ở việc đánh giá, nhận định mà nó còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa về mặt lý luận và chỉ đạo thực tiễn. Cũng có thể thấy đây là một sinh hoạt chính trị đặc biệt để nhận thức rõ hơn nhiều nội dung về Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của dân, do dân, vì dân thực sự là thế nào. Việc sửa đổi Hiến pháp được quan tâm của cả các tổ chức xã hội cũng là một tín hiệu rất đáng mừng, ít nhất cũng nói lên ý thức của người dân không thờ ơ trước những vấn đề hệ trọng của quốc gia - thông qua những tổ chức thực sự của mình - của dân - do dân - vì dân để bày tỏ ý nguyện về một hiến pháp sửa đổi xứng tầm dân tộc có nền văn hiến lâu đời. Hơn thế nữa, việc này cũng chứng tỏ mức độ dân chủ của chúng ta cũng tiến bộ đáng ghi nhận và phát huy…
  •  Sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng với mỗi quốc gia bởi vì Hiến pháp được coi là Luật cơ bản - Luật gốc - Luật khung… Hơn thế nữa, Hiến pháp có thể nói là Tuyên ngôn của mỗi quốc gia cho một thời kỳ lịch sử dài lâu. Do đó căn cứ để sửa đổi không thể chỉ lấy kết quả từ việc tổng kết này ở các cơ quan công quyền mà còn là - phải là lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân - các ý kiến của các tổ chức xã hội.

Đồng thời cũng rất nên xem lại quá trình sửa đổi Hiến pháp trước đây để tìm hiểu xu hướng, động thái, dạng thức - kết cấu của Hiến pháp qua các thời kỳ chuyển đổi có gì đáng tham khảo…

I . KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH SỬA ĐỔI

  •  Từ Hiến pháp đầu tiên 1946 - đến Hiến pháp 1992: Với thời gian 46 năm, Việt Nam đã có 4 bản Hiến pháp theo 4 niên đại: Hiến pháp 1946 - Hiến pháp 1959 - Hiến pháp 1980 - Hiến pháp 1992. Tính trung bình hơn 10 năm có 1 Hiến pháp mới.

Hiến pháp 1992 cũng chỉ tồn tại 10 năm, đến 2001 chúng ta đã chỉnh sửa. Bản sửa đổi năm 2001 cũng tồn tại 10 năm, đến nay, Đảng và nhà nước ta lại phải sửa vì Hiến pháp1992 (sửa đổi 2001) đã bất cập. Từ nhiều lần sửa như vậy có thể thấy: Vòng đời của Hiến pháp là không dài - nếu không dám nói là quá ngắn - chỉ bằng 2 kế hoạch 5 năm.

Chúng ta khẳng định việc sửa Hiến pháp như trên là một quá trình tất yếu vì nhiều nguyên nhân, chuyên luận này không đề cập đến mà chủ yếu là tìm hiểu nội dung, hình thức Hiến pháp đã được thay đổi như thế nào. Một cách khái quát ở mỗi thời điểm của Hiến pháp sửa đổi là một thời kỳ lịch sử khác nhau:   

- Hiến pháp 1946: Hiến pháp thời kỳ lập quốc. Tư tưởng gắn với Tuyên ngôn Độc lập. Thể chế chính trị: Dân chủ cộng hòa - Cấu trúc theo mô hình Hiến pháp phi tập trung - truyền thống. Gồm 7 Chương, 70 điều. Xác định quyền lực thuộc về nhân dân. Dân có các quyền tự do, Hiến pháp bảo đảm… Không có chương riêng về KT, VHXH…

 - Hiến pháp 1959: Hiến pháp có ½ đất nước (toàn bộ miền Bắc và đến vĩ tuyến 17). Thể chế chính trị “là một nước dân chủ nhân dân” đi lên CNXH. Thời kỳ này đã có một loạt các nước XHCN ở cả châu Âu và Châu Á - hình thành phe XHCN đối lập với phe TBCN về ý thức hệ tư tưởng cũng như về thể chế Chính trị, Thể chế kinh tế… Hiến pháp 1959 có 10 Chương,  112 điều (thêm 3 Chương và 42 điều).

 - Hiến pháp 1980: Hiến pháp có cả đất nước Hòa bình thống nhất lãnh thổ. Thể chế chính trị: “Nhà nước chuyên chính vô sản” (tên nước: CH XHCN VN), với Lời nói đầu dài nhất, có chủ trương đổi Quốc ca (điều 144). Hiến pháp có 12 Chương, 147 điều (thêm 5 chương, 77 điều so với Hiến pháp 1946).

- Hiến pháp 1992: Hiến pháp Thời kỳ Đổi mới - Thể chế chính trị: là nhà nước XHCN. Thể chế Kinh tế: sản xuất hàng hóa theo Cơ Chế thị trường… Đây là thời kỳ có những chuyển đổi quan trọng trong nước và biến động chính trị lớn trên thế giới (Đông Âu, Liên Xô sụp đổ, những biến động ở I-Rắc, Áp-ga-nis-tan, CNXH mang màu sắc Trung quốc…). Nhiều vấn đề về lý luận, nhận thức, tư duy đặt ra về CNXH và con đường đi lên CNXH, về sự phát triển bền vững và thời đại… Hiến pháp 1992 có 12 Chương, 147 điều (Ngẫu nhiên trùng khớp với hình thức của Hiến pháp 1980?).

Khái quát xu hướng sửa đổi:

  •  Về nội dung: Gắn kết được với chủ trương, đường lối của Đảng - Theo tinh thần Hiến pháp = “Thể chế hoá đường lối của Đảng…” từng thời kỳ.
  •  Cập nhật với tình hình trong nước, lồng ghép với các mục tiêu phát triển KT-XH.
  •  Về hình thức: Tăng số Chương, số điều gấp 2 lần (thêm 5 Chương, 77 Điều. Hiến pháp 1946 có 7 Chương 70 Điều, nay là 12 Chương, 147 Điều).
  •  Bổ sung các Chương mới (Chế độ KT, VH-XH-KHKT…).
  •  Chuyển Chương 2 - “ Quyền và nghĩa vụ công dân” xuống sau các Chương mới (Khác Hiến pháp 1946 & các Hiến pháp theo mô hình cổ điển).
  •  Diễn đạt dài dòng hơn, nhất là Lời nói đầu (2-3 trang).

Nhận xét – Bình luận :

  •  Hình thức - Cấu trúc của Hiến pháp khác Hiến pháp 1946: Nghiêng về những mục tiêu, chiến lược phát triển KT-XH.
  •  Nội dung tách ra nhiều Chương, điều chi tiết cụ thể làm Hiến pháp nhanh chóng lạc hậu.
  •  Phân cấp, phân quyền không rõ ràng, Bộ máy Nhà nước, hệ thống tổ chức CT - XH chồng chéo.
  •  Hệ thống kiểm tra giám sát quyền lực không độc lập, không có cơ chế bảo hiến.
  •  Nhiều nội dung về quyền con người, quyền công dân bị xem nhẹ. Xa rời, không vận dụng Tư tưởng HCM về quyền lực của Dân trong Hiến pháp 1946.
  •  Không thể hiện tinh thần là “KHẾ ƯỚC XÃ HỘI” - sự cam kết về quyền lực do nhân dân giao phó (nhà nước được phép đến đâu, Bộ máy theo cơ chế nào, Quyền của dân, Quyền con người… ra sao ).
  •  Quá trình thực thi, sửa đổi Hiến pháp trong bối cảnh Kinh tế phát triển không bền vững, không tương xứng với tiềm năng, sức cạnh tranh yếu, nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Tham nhũng tràn lan trở thành quốc nạn, có nguy cơ đe dọa đến vận mệnh quốc gia…
  •  Hiến pháp chỉ ở tầm của đạo luật thông thường, không kế thừa Hiến pháp 1946. Hiến pháp mang bóng dáng của thời bao cấp .

II. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ QUAN ĐIỂM XUYÊN SUỐT SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

  1. Xây dựng Hiến pháp mới - trở lại tư tưởng HCM về quyền con người, được bảo đảm trong Hiến pháp:
  •  Các  quyền con người, nghĩa vụ công dân… phải đưa lên ngay sau Chương nói về Chế độ chính trị (thông lệ quốc tế).
  •  Khẳng định Quyền phúc quyết của Dân về những vấn đề của vận mệnh quốc gia - là một điều riêng - Như điều 21, 70 Hiến pháp 46.
  •  Sửa căn bản điều 50 về Quyền con người về chính trị, dân sự…: tách ra thành các Điều cụ thể và gắn trách nhiệm bảo đảm của Nhà nước.
  •  Bổ sung các quyền mới như Quyền sống, Quyền không bị tra tấn nhục hình, Quyền phát triển, Quyền Thông tin, Quyền Lập Hội, Quyền Biểu tình…
  •  Khẳng định vai trò, vị thế của các Tổ chức xã hội cùng Nhà nước trong phát triển bền vững.
  1.  Trở lại tinh thần Hiến pháp “Là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền” - Theo kết cấu - mô hình Hiến pháp 1946 - cũng là thông lệ quốc tế phát triển dân chủ - nêu cao tư tưởng vì con người, con người là nhân vật trung tâm…                                                                 

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
11:43 | 31/01/2013
17:27 | 15/01/2013
15:35 | 20/11/2012
11:58 | 19/09/2012
15:26 | 30/07/2012
19:12 | 09/05/2012
Đăng ký thành viên