Năm Tỵ và phong trào Duy tân

11:43 | 31/01/2013

Năm Ất Tỵ (1905) được xem là năm bản lề của phong trào Duy tân Quảng Nam và cũng là năm khởi đầu của một cuộc vận động, một phong trào cách mạng có ý nghĩa to lớn, có sức sống mãnh liệt lâu dài trong các phong trào cách mạng của nước ta.
Năm Tỵ và phong trào Duy tân

 


Năm Tỵ và phong trào Duy tân

 

Ất Tỵ 1905, là năm bận rộn của những lãnh tụ phong trào, nhất là “Bộ ba Phan - Trần - Huỳnh”. Tháng Giêng là “tháng ăn chơi”, nhưng lại là dịp thuận lợi nhất để họ thực hiện các cuộc viếng thăm, nhằm vận động tuyên truyền và kết giao đồng chí. Tháng Hai, họ quyết định thực hiện Nam du “Cả ba lên đường như các chàng Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi sau khi kết nghĩa Đào Viên” (4).

Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Ba mươi mốt tuổi, Thành Thái năm thứ 17 (Ất Tỵ -1905), ngày … tháng  2, cùng Tây Hồ, Thai Xuyên  nam du” (5). Chuyến đi được Nguyễn Văn Xuân diễn tả một cách đầy hình tượng: “Thiếu mấy con ngựa và thanh kiếm để chúng ta viết nên một tập truyện lịch sử hay những trang kiếm hiệp” (6) với mục đích “Mang tư tưởng dân quyền, duy tân, đã  thức tỉnh được một số sĩ phu và đã có được một lực lượng khá mạnh ở tỉnh nhà” để “đi đánh trống, dộng chuông nơi xứ người” (7). Nhưng cao hơn, “Đây là một trong những cách mà bộ ba Quảng Nam thử thực hiện nhằm làm cho phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX thoát ra khỏi tính chất địa phương như phong trào Cần Vương của thế kỷ XIX” (8).

 Đoàn “kiếm hiệp tân thời” dừng lại ở Bình Định và nhân kỳ khảo hạch để chuẩn bị cho khoa Hương vào năm sau, ba “kiếm khách” vào “quậy” trường thi. Phan Châu Trinh làm bài “Chí thành thông thánh”, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm bài phú “Lương ngọc danh sơn”, cả hai bài đều lấy tên là Đào Mộng Giác (Đào là một họ lớn của Bình Định, còn Mộng Giác là tỉnh mộng). Nộp bài xong, những chàng Đào Mộng Giác nhanh chóng rút chạy vào Phú Yên vì sản phẩm của họ “là một gậy đánh ngang đầu”, “một tiếng sét đánh vang lừng cả nước” để “thức tỉnh đám sĩ phu cứ mê say chui đầu vào cái học khoa cử…” (9).

Hơn nửa thế kỷ sau, đọc lại bài thi và bài phú đó có người còn “thấy rung động đến tận đáy hồn” (10):

Giang sơn vô lụy khốc anh hùng

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ;

Bát cổ văn chương túy mộng trung

Trường thử bách niên cam thóa mạ,Bất tri hà nhật xuất lao lung!

(Chí thành thông thánh)

Tạm dịch:

Đối với giang sơn người anh hùng cũng không còn nước mắt để khóc

Muôn dân chịu nô lệ dưới ách cường quyền

Nhiều người đang say mê trong giấc mộng văn chương bát cổ

Suốt cả trăm năm nay chịu về thóa mạ

Không biết ngày nào mới thoát khỏi chốn lao lung.

Đám quan lại của Bình Định “sửng sốt, hãi hùng” nhưng cũng chỉ còn biết “một mặt đệ quyển ấy ra triều đình Huế, một mặt cho nả tên Đào Mộng Giác và bắt một số học trò trong tộc Đào thuộc tỉnh Bình Định để tra hỏi” (11).

Rời Phú Yên, đoàn “kiếm khách” tiếp tục Nam du: “Lúc qua Nha Trang, được tin chiến hạm Nga đậu tại Cam Ranh, bèn giả trang khách buôn, thuê thuyền đánh cá, mua trứng gà cùng trái cây các thứ, lên thuyền...” (12).

Giữa tháng Năm đến Bình Thuận. Vừa đến nơi, Phan Châu Trinh bị ốm. Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi tìm người đồng thanh khí, bàn phát triển phong trào. Một tháng sau, Trần, Huỳnh về lại Quảng Nam để “cùng các thân hào bằng hữu chung vốn lập thương cuộc tại Phố (Hội An-Faifoo), cùng lập trường học, nông hội, trồng quế... Tùy theo phong khí biến đổi trong nước nào mặc Âu Tây, cúp tóc, náo nhiệt một thời, khiến cho bọn thủ cựu ngó nghiêng con mắt” (13). Phan Châu Trinh ở lại Phan Thiết. Ông lập Thơ xã, tham gia diễn thuyết để phổ biến tư tưởng dân quyền, chủ xướng hội “Thanh niên thể dục” là tiền thân của trường Dục Thanh.

Đánh giá về cuộc Nam du của “bộ ba Quảng Nam”, Châu Hải Kỳ  viết: “Nhờ cụ Phan Châu Trinh chủ xướng, khuyến khích giáo dục, công thương hội mà phong trào truyền bá canh tân, mở mang thương nghiệp, chấn hưng công nghệ đã được khởi phát và thực hiện tại Bình Thuận sớm hơn ở Bắc phần và Nam phần” (14).

Tháng 12 khi vừa đến Quảng Nam, nghe tin Phan Bội Châu từ Nhật về, Phan Châu Trinh vội gặp Tiểu La Nguyễn Thành và Trần Quý Cáp để bàn chuyện ra Bắc. Thế là “kiếm khách” Phan Châu Trinh lại lên đường Bắc du cùng Ông Ích Đường. Ra Hà Nội gặp Đào Nguyên Phổ, Lương Văn Can, Võ Hoành, Nguyễn Quyền...; vào Nghệ Tĩnh gặp Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân rồi lên Yên Thế gặp Hoàng Hoa Thám, trước khi xuống tàu sang Nhật vào đầu năm 1906.

Hết Nam du lại Bắc du. Đến cuối năm Ất Tỵ (1905), hạt giống Duy Tân Quảng Nam đã được gieo mầm khắp từ Nam ra Bắc. Những tư tưởng mà “Bộ ba Duy Tân Quảng Nam” đưa ra và thực hiện vào đầu năm Ất Tỵ cách đây 108 năm, đến nay “Vẫn còn nguyên tính cập nhật, thậm chí còn nóng hổi hơn, cấp bách hơn” (15).

Theo Đà Nẵng cuối tuần


(1, 4, 6, 10, 11, 14): Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy Tân, Nxb Đà Nẵng, 1995.

(2, 3, 5, 7, 9, 12, 13): Huỳnh Thúc Kháng Niên phổ, Nxb Văn hóa Thông tin, năm 2000.

(8):  Bùi Văn Tiếng, Đất Quảng với Phong trào Duy tân đầu thế kỉ XX (Lịch sử Xứ Quảng-Tiếp cận và khám phá), Nxb Đà Nẵng.

(15): Nguyên Ngọc: Chương trình vĩ đại bị dở dang của Phan Châu Trinh. Báo cáo Hội thảo ngày 23-3-2011 do Trường Đại học Hoa Sen và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức

 

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
11:43 | 31/01/2013
17:27 | 15/01/2013
15:35 | 20/11/2012
11:58 | 19/09/2012
15:26 | 30/07/2012
19:12 | 09/05/2012
Đăng ký thành viên