Tối ngày 28/8, chung kết cuộc thi tranh biện “Khép cửa sổ, mở cửa chính” dành cho sinh viên Hà Nội đã diễn ra gay cấn, hấp dẫn với những phần tranh tài nảy lửa với chủ đề Hướng về biển.
4 đội thi (For, Sóng, San hô đá và Heroine) đã thể hiện khả năng tranh biện của mình ở các chủ đề gần gũi, nóng hổi như biển Đông, nữ quyền…, trong đó, biển đảo là vấn đề thể hiện được những góc nhìn sắc nhọn và thú vị của các bạn sinh viên.
“Biển Đông có nên là mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ Việt Nam?” được 6 cô gái (2 đội thi) đưa ra các luận điểm khá xác đáng và chặt chẽ, thể hiện ý kiến của mình trong vai trò của bên Ủng hộ - Phản đối.
Chủ đề Biển Đông được bạn trẻ tranh biện đầy hào hứng.
3 cô gái đội For gặp chút nhầm lẫn khi nêu sai diện tích thực của biển Đông nhưng cũng đưa ra một hệ thống luận điểm về việc nên đặt biển Đông là mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ Việt Nam.
Sau khi nêu tầm quan trọng về địa – chính trị của biển Đông đối với nước ta, đội For đã khẳng định sức “nóng” của vấn đề tại Việt Nam, đặc biệt từ sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế tháng 5/2014.
Khẳng định rằng, giới trẻ hiện nay đang ngày càng quan tâm đến các vấn đề chính trị - xã hội, nhất là biển Đông và đội For đã đưa ra một số dẫn chứng về các hành động cụ thể thể hiện điều đó: biểu tình, xếp bản đồ Việt Nam, nghe những ca khúc biển đảo, lập trang web, hay nhuộm đỏ trang cá nhân Facebook với lá cờ Tổ quốc.
“Chính vì vậy dù Trung Quốc đã rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam thì vấn đề biển đảo vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm. Mọi người có thể thấy rằng các chiến sĩ vẫn cầm chắc tay súng của mình để bảo vệ biển đảo, hoặc gần đây nhất là Thạc sĩ Võ Mạnh Tuấn đã thực hiện hành trình xuyên Việt từ Bắc đến Nam kêu gọi sự quan tâm của mọi người.
Khi đặt biển Đông trở thành mối quan tâm hàng đầu, các bạn trẻ vừa nhận được nhiều lợi ích, vừa thể hiện được trách nhiệm của mình: có lý tưởng sống cao đẹp hơn, nâng cao nhân cách, nhận thức. Bên cạnh đó là tích lũy được kiến thức trên nhiều mặt: văn hóa, xã hội, địa lý, lịch sử…và yêu nước, tăng thêm lòng tự hào dân tộc”.
Lê Khánh Linh (ĐH Ngoại thương) hùng biện đầy ấn tượng.
Lê Khánh Linh (ĐH Ngoại thương Hà Nội) đại diện đội Sóng đã dùng những lý lẽ xác đáng phản biện lại ý kiến, quan điểm của đối phương, lập luận vô cùng chặt chẽ và thuyết phục để chứng minh ngoài biển Đông, người trẻ còn nhiều sứ mệnh phải gánh vác.
Linh bày tỏ: “Thứ nhất là hoàn thiện năng lực, nhân cách và giá trị của bản thân. Bạn không thể hoàn thành những điều lớn lao nếu chưa làm tốt được những điều nhỏ bé. Trước tiên bạn hãy hoàn tất việc học tập cho thật tốt, biến mình trở thành người thực sự có năng lực, trách nhiệm, tư cách đạo đức. Và như vậy, bạn mới có tư cách gánh vác được những trọng trách của đất nước, trong đó có vấn đề biển Đông”.
Theo Linh, một trong những sứ mệnh cao cả là: trước khi trở thành một người làm điều vĩ đại, chúng ta hãy làm những điều bình dị thật tốt và lấy ra những ví dụ: bão lũ miền Trung, dịch sởi hoành hành cướp đi sinh mạng hàng ngàn đứa trẻ…Hay gần gũi hơn là: mẹ ho nhiều hơn bình thường, cha đau lưng khi trở trời …
“… Một lần nữa tôi khẳng định rằng đừng quá đặt nặng trách nhiệm của mình với hai chữ “biển Đông” mà chăm chăm lao vào nó như một con thiêu thân không định hướng. Trước tiên hãy sống một cách bình dị và có ích trong cuộc đời này. Có như vậy bạn mới gánh được trọng trách của đất nước”, Linh chia sẻ.
Đội Sóng còn làm rõ, biển Đông không phải là trách nhiệm của riêng giới trẻ, mà của toàn dân Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp. Bên cạnh đó, đội còn khá sắc bén khi nhắc đến những tác động tiêu cực của giới trẻ Việt Nam về biển Đông trong thời gian vừa qua.
“Bạn nói với tôi rằng giới trẻ tác động đến biển Đông bằng cách xếp hình đất nước, hát những bài hát Nơi đảo xa, hoặc lên Internet nhuộm đỏ facebook? Chúng ta nên quan tâm đến biển Đông bằng cách hoàn thành nốt chương trình học của mình, bằng cách hiểu rõ về biển Đông.
Đội Sóng giành giải Nhất chung cuộc.
Hỏi đáp thẳng thắn, với những lập luận chắc chắn và gần gũi, sát thực trong cuộc sống đời thường, đội Sóng đã giành được áp đảo, cùng San Hô Đá bước vào chung kết. Khánh Linh (với quan điểm là “Ủng hộ”), đã nhấn mạnh vào những ưu điểm, vai trò của người phụ nữ cả truyền thống lẫn hiện đại: khéo léo, dịu dàng, sâu sắc, thận trọng và cái nhìn bền bỉ đồng thời cũng không thua kém “đấng mày râu” khi thể hiện được các yếu tố của một người lãnh đạo: tầm nhìn, khả năng truyền cảm hứng và gây ảnh hưởng.
Với năng lực đồng đều trong đội ngũ thành viên, đội Sóng đã giành được giải Nhất. Cùng với đó, bằng sự thể hiện vô cùng thuyết phục của mình, Lê Khánh Linh (ĐH Ngoại thương Hà Nội) cũng giành được giải Thí sinh xuất sắc nhất.
Hoàng Dung