Tối ngày 22/05/2015 tại Khách Sạn Hồng Hà đã diễn ra buổi Tọa đàm trẻ “Thông tin, truyền thông và minh bạch” được tổ chức bởi NGO mới của giới trẻ YLeader và các tổ chức CBO song hành như YCulture, YThinkTank, YMedia dưới sự bảo trợ của Quỹ Hợp tác và Phát triển.
Buổi tọa đàm hân hạnh đón tiếp các diễn giả như: ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; ông Stefan Hochhuth, chuyên gia Thực hành Quản trị Toàn cầu của Ngân Hàng Thế giới; ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng khoa học MEC, phó tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP.HCM. Tọa đàm vinh hạnh chào đón sự hiện diện của đại diện Hội đồng Quản lý Quỹ Hợp tác và Phát triển : bà Phạm Thúy Anh, Chủ tịch Quỹ Hợp tác và Phát triển; bà Trần Thúy Lan, Giám đốc điều hành Quỹ. Đặc biệt, hội trường được lấp đầy bởi hơn 50 bạn sinh viên đến từ khắp các trường ĐH trên địa bàn TP. Hà Nội có mặt tham gia tọa đàm.
Tọa đàm bắt đầu với sự chia sẻ của ông Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông về khái niệm “5T”; 5 mệnh đề Thông tin – Trí tuệ - Thương hiệu - Tâm linh – Từ thiện luôn có sự kết nối và song hành để tạo ra một môi trường thông tin minh bạch, hiệu quả. Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Quang Hiển đến từ ĐH Bách Khoa Hà Nội về vấn đề “Liệu trong tương lai sách vở truyền thống có bị thay thế hoàn toàn bằng smartphone?”, ông cho biết chúng ta nên tận dụng lợi thế của công nghệ và mạng xã hội, đặc biệt là báo chí công chúng, điều này đã lôi được rất nhiều vấn đề ra ánh sáng nhưng tất nhiên chúng ta phải kiểm soát tình hình, hiện nay 31% người đọc hướng đến báo điện tử nhưng báo in và sách vở vẫn có vị trí nhất định, và đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa không đủ điều kiện tiếp cận các phương tiện hiện đại.
Ông Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông
phát biểu tại tọa đàm
Tiếp theo, tọa đàm nhận được những quan điểm từ nhà báo Mai Phan Lợi, chia sẻ về tầm quan trọng của mạng xã hội trong vấn đề thông tin, đặc biệt là công cụ facebook, ngay cả những nhà báo cũng đã tận dụng công cụ này để kêu gọi dư luận. Ngoài ra trả lời câu hỏi của bạn Tấn Phát đến từ Học viện Bưu chính viễn thông về việc Facebook thay đổi thuật toán có thể ảnh hưởng đến cộng đồng, anh Lợi cho biết Facebook tuy là công cụ miễn phí nhưng thực chất họ vẫn kinh doanh trên thông tin của người dùng, những gì chúng ta đăng tải, những nút like, share comment từ các fanpage đều kiếm ra lợi nhuận. Vấn đề là người dùng có đủ khôn ngoan và sáng suốt để “làm chủ” thông tin của mình trên facebook hay không.
Nhà báo Mai Phan Lợi, chia sẻ về tầm quan trọng của mạng xã hội
Có lẽ các bạn trẻ tham gia tọa đàm đã ngày càng hứng khởi hơn khi nghe được những chia sẻ rất thú vị từ Mr.Stefan Hochhuth-chuyên viên của Ngân hàng thế giới,- về ICT và quản trị nhà nước. Mr.Stefan đã đưa ra những ví dụ rất thiết thực từ các quốc gia trên thế giới trong việc sử dụng công nghệ thông tin truyền thông và mở rộng sự tham gia của người dân các nước trong quản trị nhà nước trong xu hướng mới. Mr.Stefan đã chỉ ra những lợi ích mà Minh bạch trong quản trị nhà nước mang lại. Chia sẻ của Anh đã truyền tải rất nhiều cảm hứng và động lực thay đổi cho các bạn trẻ có mặt trong tọa đàm.
Mr.Stefan Hochhuth-Chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới
Tọa đàm kết thúc để lại rất nhiều dư âm và những bài học bổ ích cho các bạn trẻ, đặc biệt là những thủ lĩnh trẻ tràn đầy nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Có lẽ rằng NGO mới của giới trẻ YLeader nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung cần học hỏi và trau dồi hơn nữa để có thể phát triển bản thân và từ đó lan tỏa giá trị cho xã hội.
YMedia- Tổ chức truyền thông báo chí dành cho giới trẻ