Môi trường & Sức khỏe

Xem thêm >>

TP.HCM: Không khí bị ô nhiễm chì

Tuesday, 24/06/2014, 18:00 0 437
- Tại TP.HCM, lượng chì trong không khí đã tăng gấp đôi, từ 0,5μg/m3 lên đến trên 1μg/m3. Việc chì tăng bất thường như nói trên, nghi vấn là do đã có một lượng xăng pha chì bán ra thị trường trong thời gian gần đây.

Diễn biến nồng độ của chì thay đổi giảm đáng kể vào tháng 8-2001 do Chính phủ ban hành luật sử dụng xăng không pha Chì, đến tháng 06-2005 theo kết quả quan trắc, nồng độ chì có xu hướng gia tăng. Điều này có thể giải thích do lượng xe tăng đáng kể và chất lượng của xăng không được bảo đảm. (Nguồn: Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM) 

Vào cuối tháng 8/2007, tại hội thảo: “Kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn” tổ chức tại TP.HCM, Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM đã công bố một số liệu đáng ngại về tình hình ô nhiễm môi trường ở TP.

 Đó là, lượng chì trong không khí đo được tại các trạm quan trắc ven đường giao thông của TP.HCM từ đầu năm 2006 đến nay đã tăng đột biến, lên mức trên 1μg/m3, vượt mức cho phép của Tổ chức Y tế thế giới WHO (1μg/m3) .
 
Là một chuyên gia về ô nhiễm không khí, từ đầu thập niên 80, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM và cộng sự đã tiến hành quan trắc một cách có hệ thống chất lượng không khí của TP.HCM.
 
Dựa trên những kết quả quan trắc, ông cho biết, trước đây, khi nước ta vẫn sử dụng các loại xăng pha chì, hàm lượng chì trong không khí luôn ở mức rất cao, trung bình ở mức trên 2μg/m3, thậm chí có nơi còn cao hơn.
 
Điều đáng mừng là, kể từ khi Nhà nước quyết định chỉ cho sử dụng xăng không pha chì vào năm 2001, lượng chì trong khộng khí đã giảm đáng kể. Trong nhiều năm liền từ năm 2002 đến 2005, luôn ổn định ở mức 0,5 μg/m3 dưới chỉ tiêu của WHO đề ra (Tiêu chuẩn Việt Nam trung bình là: 1,5 μg/m3 trong 24 giờ).
 
Thế nhưng, từ năm 2006 đến nay, hàm lượng chì trong không khí lại có xu hướng tăng lên như đã nói ở trên. Do đâu mà lượng chì trong không khí lại tăng đột biến như vậy? Mặc dù chưa vượt quá Tiêu chuẩn Việt Nam (1,5 μg/m3) nhưng việc hàm lượng chì trong không khí tăng đột biến là điều đáng báo động.
 
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một là do lượng xe máy tham gia lưu thông tăng nhanh, hai là do chất lượng xăng không bảo đảm, hay nói một cách khác, đã có một lượng xăng pha chì đáng kể được bán trong thời gian gần đây.
 
Cũng theo ông Tuấn, việc xăng pha chì có mặt trở lại trên thị trường mới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lượng chì trong không khí gia tăng đột biến trong một thời gian ngắn.
 
Đề xuất biện pháp để khống chế tình trạng trên, theo ông Tuấn, ngoài việc các ngành chức năng phải thường xuyên giám sát chặt chẽ chất lượng xăng dầu nhập khẩu, cần có một cơ quan đủ mạnh và các quy định đầy đủ để đảm trách công việc khống chế ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải.
 
Ô nhiễm chì được ghi nhận nhiều nhất là chì có trong xăng ôtô, ở dạng ankyl - chì, với vai trò là chất chống kích nổ. Khi có sự hiện diện của chì trong các loại men tế bào khác nhau thì các loại men này không thể thực hiện được những chức năng của chúng trong cơ thể. Khi bị nhiễm chì, cơ thể rơi vào  trạng thái hưng phấn và mất ngủ, sau đó là mệt mỏi, trầm uất và táo bón.  (Nguồn:  http://thuvien.ntu.edu.vn)
 
Với cơ cấu hiện tại, trách nhiệm này được chia sẻ cho nhiều đơn vị nên kết quả không cao.
 
Mặt khác, vấn đề sử dụng nhiên liệu sạch cần phải được quan tâm nhiều hơn. Những năm qua, chúng ta đã đạt được những kết quả khá tốt trong việc sử dụng xăng không chì.
 
Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu và giám sát tiếp tình trạng ô nhiễm khi sử dụng xăng không chì gây ra (như benzene); tiếp cận với việc sử dụng các loại nhiên liệu sạch khác như khí đốt, điện, hydro, năng lượng mặt trời…
 
Cải thiện kỹ thuật xe máy nhằm giảm bớt sự phát thải khí ô nhiễm từ xe cộ, sử dụng các biện pháp đơn giản để giảm sự bay hơi của nhiên liệu, tăng cường kiểm soát sự phát thải từ các phương tiện giao thông như kiểm tra sự thải khói, kiểm định kỹ thuật máy móc…là những biện pháp có thể làm ngay và góp phần đáng kể vào việc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí.
 
Nguyễn Thủy