Ngày 19/8, tại Hà Nội, đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và CHLB Đức đã tham gia Hội thảo khoa học "Quản lý chất thải đô thị theo phương thức tổng hợp với mô hình bán tập trung” do viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật tổng hợp Darmstad (Cộng hoà Liên bang Đức) tổ chức.
Đây là hoạt động nằm trong dự án hợp tác nghiên cứu khoa học đa ngành giữa Việt Nam và CHLB Đức từ 2008 đến 2011, nhằm tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu và bền vững trong quản lý chất thải rắn và lỏng cho các khu đô thị ở Việt Nam, trong đó có nghiên cứu điển hình ở thành phố Hà Nội.
GS.TS Peter Cornel, Trưởng Dự án cho rằng: Dự án đề cập đến vấn đề còn bỏ ngỏ ở Hà Nội cũng như các khu đô thị khác là xử lý chất thải. Các khu vực này còn rất thiếu hệ thống thu gom và xử lý nước thải.
Hiện nay mới chỉ có một lượng nhỏ nước thải được xử lý mà phương tiện làm sạch sơ bộ phổ biến nhất vẫn là các bể tự hoại đặt dưới nền nhà và được xả trực tiếp ra môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm amôni trong nước ngầm cao, gây nhiễm bẩn nguồn nước cấp cho sinh hoạt, ảnh hưởng sức khoẻ người dân và ô nhiễm môi trường nước mặt ngày càng trầm trọng.
Vì thế, Hà Nội đang đối mặt với thách thức là rất khó khăn để thay thế các hệ thống bể phốt cũ bằng một hệ thống thu gom mới với giá thành thấp.
Bởi vậy cần áp dụng hệ thống bán tập trung tổng hợp, kết hợp bước đầu xử lý bùn bể phốt tại các khu cũ, tiếp theo là phát triển xử lý kết hợp nước thải, bùn thải từ các khu đô thị mới cùng với rác hữu cơ từ chợ, nhà hàng.
PGS.TS Nguyễn Việt Anh (Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường) cho biết: Dự án này hướng tới việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý chất thải tổng hợp, theo mô hình bán tập trung, kết hợp nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có và tích hợp những hệ thống quản lý chất thải mới cho các khu đô thị mới ở Thành phố Hà Nội mở rộng.
Hệ thống tích hợp này sẽ cho phép quản lý các loại nước thải cũng như rác thải hữu cơ một cách tổng hợp, theo mô hình bán tập trung, với quy mô lớn, nhỏ được xác định linh hoạt và phù hợp với tình hình phát triển nhanh của các khu đô thị.
Bùn cặn từ hệ thống thoát nước và bể tự hoại sẽ được xử lý cùng rác thải hữu cơ. Khí sinh học sinh ra sẽ được sử dụng làm nguồn năng lượng cung cấp cho thiết bị xử lý hoạt động.
Theo Hoàng Minh Nguyệt
TTXVN