Rác thải, Nước thải

Xem thêm >>

TP Hồ Chí MInh, càng chống càng ngập

Tuesday, 24/06/2014, 17:13 0 397
Những cơn mưa lớn vào cuối mỗi buổi chiều tại thành phố từ một tuần nay bao giờ cũng kết thúc bằng cảnh nhiều nơi ngập trong nước, hàng loạt xe chết máy gây tắc đường, mọi người xắn quần hì hục đẩy xe...
Đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn gần Cầu Bông, quận Bình Thạnh, khu vực ít khi bị đọng nước. Cơn mưa trước giờ cao điểm nên may mắn không đến nỗi khiến kẹt xe, song ùn tắc giao thông vẫn xảy ra cục bộ do nhiều xe bị chết máy phải ngừng, hoặc dắt lên vỉa hè. 
 
Một thanh niên mình mẩy ướt mèm, đẩy chiếc xe vào điểm dịch vụ lau rửa bugi, bức xức: "Tôi không hiểu nổi thành phố làm kiểu gì, có biện pháp gì chống ngập nhưng chỉ thấy toàn người dân phải hứng chịu tình trạng thế này". Mệt mỏi rút 10.000 đồng trả tiền cho người lau chùi bugi, anh nổ máy xe phóng vọt đi thật nhanh như trút nỗi bực dọc. Con đường Đinh Tiên Hoàng la liệt người dắt xe bộ.
 
Bên cạnh những con đường ngập kinh niên như Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, 3/2... nhiều phố khác cũng gặp "cơn đại hồng thủy" khi mưa kết hợp với triều cường. Đường Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn ở ngay trung tâm thành phố, gần đây cũng xuất hiện tình trạng ngập sau mưa. Ở quận Bình Thạnh, Bình Tân, quận 6, nhiều người dân đã thuộc lòng diễn biến như điệp khúc: mưa lớn - nước dâng - ngập - xe chết máy dắt bộ.
Theo thống kê của Sở Giao thông công chính, TP HCM hiện có hơn 100 điểm ngập nước. Thành phố đang cố gắng xóa đi ít nhất một nửa trong số này. Tuy nhiên, nói như ông Đặng Văn Khoa, đại biểu hội đồng nhân dân thành phố, "thành phố năm nào cũng đưa ra các giải pháp chống ngập, nhưng hình như ngập lẻ (tức điểm ngập ít) thì giảm, còn ngập sỉ (nơi nước nhiều) lại tăng".
 
TP HCM dự kiến đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2020, để xóa bỏ tình trạng ngập úng. Song, kể cả người trong ngành hay người đề xuất phương án chống ngập này, đều không tin tưởng là sẽ giải quyết căn cơ tình hình. 
 
Giám đốc Sở Giao thông công chính Trần Quang Phượng cho hay, thành phố đang thực hiện 4 dự án lớn để cải thiện tình hình ngập nước. Đó là Vệ sinh môi trường thành phố, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Cải thiện môi trường nước, rạch Hàng Bàng.
 
Song, ông Phượng cho rằng, khi 2 dự án vệ sinh môi trường và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn tất vào cuối năm 2008 (theo kế hoạch), cũng chỉ khoảng 140 km2 của thành phố thoát ngập, phần còn lại phải tiếp tục chịu ảnh hưởng nước mưa và triều. Đến năm 2020, 60.000 tỷ đồng của thành phố cũng chỉ cơ bản giải quyết ngập cho khoảng 640 km2 trong tổng diện tích toàn thành gần 2.100 km2.
 
Hàng loạt công trình thoát nước khác đang được TP HCM triển khai như làm cống kiểm soát triều ở cầu Bông, xây dựng cụm kiểm soát triều Bình Lợi, quận Bình Thạnh; dự án nạo vét, cải tạo mương Nhật Bản, quận Tân Bình - Phú Nhuận, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh; xây hồ điều tiết chống ngập... Tuy nhiên hiệu quả giảm ngập chưa cao.
 
Viện trưởng Kinh tế TP HCM Trần Du Lịch cũng nhìn nhận, thành phố cứ chống ngập chỗ này chưa xong nơi khác đã ngập. Lý do là chưa có giải pháp thủy lợi hiệu quả, kết hợp với tiêu thoát nước.
 
Mới đây, UBND TP HCM đã quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu và quản lý chống ngập trực thuộc Sở Giao thông công chính. Theo đó, trung tâm này tập trung nghiên cứu, xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện đề án chống ngập nước cơ bản, toàn diện trên địa bàn TP HCM; tập trung vào các lưu vực chính: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lưu vực dự án Hàng Bàng, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm.
 
Kiên Cường ( Vnexpress 25.10.07)