Rác thải, Nước thải

Xem thêm >>
- Đã gần 6 năm nay, hàng trăm hộ dân 2 tổ 44A và 44B thuộc cụm 6A, 7, 8, 9 ở phường Phương Liệt (Thanh Xuân, Hà Nội) luôn phải sống trong nỗi lo thiếu nước sạch. Hoạt động “sôi nổi” nhất trong ngày của người dân nơi đây là… xách can đi xin nước.
Cả tổ dân phố đi xin nước
 
Ông Nguyễn Tiến Nam - tổ trưởng tổ dân phố 44B - dẫn chúng tôi đi thăm đường ống nước chạy qua khu dân cư. Nằm dưới lớp đất và gạch vụn là những đường ống “tang thương” được “băng bó” bằng vô số những lớp dây cao su. Nước sạch không ngừng rò rỉ chảy qua những lớp cao su ấy, thấm vào lòng đất. “Sáng kiến” buộc dây cao su là của công ty nước sạch Yên Phụ, là giải pháp tình huống cho những đường ống nước gỉ sét.
Một người dân lắc đầu ngao ngán: “Đường ống dẫn nước của tổ 44B được lắp từ năm 1989 đến nay chưa được thay. Đã hơn 5 năm nay, cái cảnh người nọ nối người kia vác can đi khắp nơi xin nước, mua nước đã trở nên quá đỗi quen thuộc”.
 
Đa số các hộ dân sống ở tổ 44B trước đây đều là công nhân của Công ty Kỹ thuật vật tư xi măng, nay đã về hưu. Trước tình trạng dân khan hiếm nước sạch, công ty đã hỗ trợ bơm nước vào bể chứa chung nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của nhân dân.
 
Hệ thống đường ống dẫn nước ngầm bị tắc, chờ “trên” không được, nhiều người dân tự đào ống lên, chắp vá ống nối. “Chúng tôi phải lắp ống nổi để thuận tiện cho việc hút nước, nhưng nước phập phùng lúc có lúc không. Nhà tôi phải mua thêm hàng trăm mét ống dẫn nước để xin nước từ người dân các tổ bên cạnh”, ông Nguyễn Viết Luật ở số nhà 110 tổ 44A cho biết.
 
Bên cụm dân số 6, tình hình xem chừng còn bi đát hơn. Hàng trăm hộ dân đã tự tổ chức sắp xếp lịch cho từng nhà thay phiên nhau lấy nước. “Mỗi hộ được lấy một giờ đồng hồ. Chỉ cần nhà ai để quá 5 phút là ngay lập tức xảy ra tình trạng cãi lộn, gây mất đoàn kết” - ông Hoàng Ngọc Hảo ở tổ 44A cho biết - “ Để vừa đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho gia đình, vừa không mất đoàn kết, gia đình tôi đã phải lắp tới 4 máy bơm nước. Cứ đến lịch của mình là cho cả 4 máy chạy hết công suất. Hôm nào mất điện thì phải xin nước ở tổ khác”.
 
Khó khăn là khó khăn chung
 
Đem những bức xúc về vấn đề nước sạch nói trên, để lên bàn UBND phường Phương Liệt, chúng tôi được ông Phan Trí Tuệ - Phó Chủ tịch UBND phường giải thích: “Những phản ánh của dân về những bất cập trong thiếu nước sạch là đúng. Nguồn nước của tổ 44B là do Công ty vật tư kỹ thuật xi măng cung cấp. Cả tổ là một ngôi nhà 5 tầng, chỉ có một bể nước chung và bể nước này chỉ được bơm theo giờ.
 
Năm 2005, Công ty vật tư xi măng đã bàn giao cho Công ty phát triển nhà Hà Nội quản lý, toàn bộ dùng chung bể nước với công ty. Trước tình trạng này người dân tổ 44B muốn tách hệ thống ống dẫn nước ra khỏi Công ty vật tư, nhưng tách ra lại không có khu vực xây bể, thiếu đất để làm trạm bơm, mà bản thân một tổ dân phố thực hiện được điều này là rất khó”.
 
Cũng theo ông Tuệ, tình trạng khan hiếm nước sạch tại tổ 44A là khó khăn chung của nhiều cụm dân cư trong phường. Nguyên nhân vì hệ thống cấp nước được làm cách đây gần 30 năm, nay đã quá cũ, quá nhỏ so với số dân vùn vụt tăng. Cùng với quá trình đô thị hoá, các hộ dân đào xới xây dựng ngày càng nhiều, va chạm vào đường ống nước nên rất nhanh hỏng.
 
Theo ông Tuệ, đã rất nhiều lần UBND phường giúp dân đệ đơn lên Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy nhưng đều nhận được câu trả lời: “Công ty chỉ có quyền quản lý và cung cấp nước theo nguồn cấp nước cũ, còn việc cải tạo lại phải có dự án của thành phố. Nếu thiếu nước trầm trọng chúng tôi sẽ cho xe chở téc nước tới”.
 
Đến bao giờ, hàng trăm hộ dân nơi đây mới không còn “rộn ràng” mỗi ngày xách can đi xin nước sạch?