Tôi đi đám giỗ 10 liệt nữ Lam Hạ

16:07 | 20/11/2012

Được bạn bè báo tin: chiều ngày 02 tháng 10 năm 2012, tại xã Lam Hạ có đám giỗ 10 liệt nữ đã hy sinh trong những cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ cách đây 46 năm, mấy người bạn văn chúng tôi cùng với giáo sư Nguyễn Lân Dũng đi một chiếc xe du lịch nhỏ từ Hà Nội về. Đến cách thành phố Phủ Lý 2 ki-lô-mét, rẽ trái cắt ngang đường tàu hoả, vào một ngôi làng rợp bóng cây xanh. Bước thêm một quãng đường làng gặp ngôi miếu thờ 10 liệt nữ liền kề với ngôi đền Liệt sĩ của tỉnh mới xây dựng khá đồ sộ. Hai công trình này thiết lập ngay trên chỗ đất mà ngày xưa là trận địa pháo mà các chị đã hy sinh.
Tôi đi đám giỗ 10 liệt nữ Lam Hạ

 


                                                            Lê Hoài Nam

 

Ngày ấy, thị xã Phủ lý là một trong những mục tiêu quan trọng mà máy bay Mỹ nhằm vào đánh phá. Có ngày chúng huy động hàng trăm máy bay phản lực các loại, bay theo từng tốp vào ném bom. Trung đội dân quân nữ Lam Hạ được ra đời trong hoàn cảnh ấy. Các chị đều còn rất trẻ. Người nhiều tuổi nhất cũng chỉ 22, người ít tuổi thì mới 16! Nhiệm vụ của họ vừa sản xuất vừa chiến đấu. Thanh niên nam cứ lớn, tuổi 17, 18 là ra mặt trận,  không ít người trong số họ khi đi khám sức khoẻ phải lén lút bỏ đá vào túi mới đủ cân đủ lạng để được ra tiền tuyến. Các thiếu nữ ở lại thôn làng phải thay thế cánh nam thanh niên cầm cày, cầm bừa, gieo trồng, gặt hái. Các chị vừa lao động trên cánh đồng vừa để ý nghe ngóng. Nếu có tiếng còi từ trên tầng thượng nhà máy cơ khí Hà Nam hú lên báo động là họ nhào ra các trận địa pháo tham gia chiến đấu. Các trận địa pháo là của quân đội. Nhưng chiến tranh quá ác liệt, người ta phải lường tính đến việc, ở mỗi vị trí pháo thủ, nếu hy sinh, đều phải có người thay thế. Trung đội nữ dân quân xã Lam Hạ được huấn luyện thành lực lượng thay thế đó. Gọi là thay thế nhưng các chị thường xuyên phải ngồi vào vị trí pháo thủ trực tiếp chiến đấu cùng bộ đội.

Sáng ngày 01 tháng 10 năm 1966, từ lúc hơn 6 giờ cho đến lúc 11 giờ, Mỹ đã huy động trên 50 lượt chiếc máy bay phản lực với đủ chủng loại, từ “Thần Sấm” đến “Con Ma”, từ F111 đến “Cánh cụp cánh xoè”… tổ chức thành 5 đợt bay vào đánh phá Phủ Lý. Chúng tập trung ném bom, bắn đạn Rôc-két rất dữ dội vào cây cầu sắt trên đường số Một bắc ngang sông Châu Giang, huyết mạch giao thông Bắc - Nam. Chúng đánh phá ga tàu hoả và nhiều mục tiêu khác. Trung đội nữ dân quân Lam Hạ dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Nguyễn Chí Liêm và trung đội trưởng Nguyễn Thị Tình, phân chia quân số về 4 khẩu đội  pháo 37 ly của đại đội 6, tỉnh đội Nam Hà. Họ chiến đấu rất hăng hái, bắn đến độ nòng pháo bị nung đỏ như tôi trong lò lửa. Đến 10 giờ 15 phút thì 2 trong 4 khẩu đội bị trúng bom. Những quả bom 750 bảng Anh. Khẩu đội 2 ở trên sườn đê 493 cả bộ đội và dân quân đều hy sinh tại trận. Khẩu đội còn lại thì có người hy sinh tại trận địa, có người bị thương nặng đưa về trạm xá mới hy sinh. Ngày hôm ấy, chưa kể bộ đội, đã có 6 nữ dân quân hy sinh. Đó là các chị: Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi (hai chị em ruột), Đinh Thị Tâm, Phạm Thị Lan, Phạm Thị Tuyết, Vũ Thị Phương.

Chín ngày sau, trong trận hiệp đồng chiến đấu tại trận địa pháo 100 ly của thôn Đường Ấm, cũng thuộc xã Lam Hạ, lại có thêm 3 nữ chiến sĩ dân quân hy sinh. Đó là các chị Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh, Nguyễn Thị Thuận. Nữ chiến sĩ thứ 10 của trung đội hy sinh là chị Đặng Thị Chung. Chị Chung hy sinh ít ngày sau đó tại trận địa pháo thôn Hoà Lạc.

Tôi về dự đám giỗ được nghe các chị cùng trung đội kể lại chuyện hy sinh của 10 đồng đội thật cảm động và ấn tượng. Có chị hy sinh mà thanh thản như đang ngủ. Có chị mất cả hai tay. Có chỉ bị bay mất vùng bụng. Chị Phạm Thị Tuyết bị bay cả đầu và tay. Đội cứu thương phải lội bì bõm mò trong những vũng nước gần trận địa mới tìm thấy. Chị Nguyễn Thị Thi bị mảnh bom cưa mất chân. Khi được đội cứu thương đưa lên cáng, chị còn nói với Thái, anh trai mình: “Chắc em sẽ hy sinh thôi. Anh cố gắng vừa chiến đấu vừa thay em chăm sóc bố mẹ, anh nhé”. Chị Thi hy sinh ngay chiều hôm đó. Hy sinh ở tuổi 16. Khi mà chị mới được làm lễ bỏ khăn quàng đỏ (lễ xuất đội) hai ngày. Năm 2010, nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho trung đội nữ dân quân Lam Hạ. Cá nhân chị Nguyễn Thị Thi cũng được truy phong dang hiệu cao quý ấy. Trong 10 nữ chiến sĩ hy sinh có chị Nguyễn Thị Oánh vừa được hưởng tuần trăng mật với đấng phu quân là anh Lê Văn Trắc, người cũng xã. Sau đám tang của người vợ trẻ, anh Trắc đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Anh cũng vào đơn vị pháo binh. Năm 1967, đơn vị anh kéo pháo về lập trận địa ở Phủ Lý. Trong một trận chiến đấu với máy bay Mỹ, Lê Văn Trắc đã anh dũng hy sinh. Hai ngôi mộ của vợ chồng anh Trắc - chị Oánh được mai táng song song nhau trong nghĩa trang liệt sĩ xã Lam Hạ.

Thời gian càng lùi xa, người ta càng nhận ra chuyện chiến đấu và hy sinh của  các chị là rất đẹp, đẹp một vẻ bi hùng. Tôi gọi các chị bằng cái danh Liệt nữ là những muốn nghiêng mình chiêm bái trước vong linh các chị. Tên tuổi các chị sẽ lưu danh thiên cổ.

Thắp hương nơi đền thờ các chị xong, tôi đi sang phía khu đền thờ liệt sĩ cấp tỉnh khá đồ sộ vừa hoàn thành. Để làm được việc này, ngoài công của các cơ quan công quyền Hà Nam, phải kể tới những cá nhân mang ý tưởng hiến kế, vận động như ông Nguyễn Như Lân, ông Vũ Tranh Đấu, Ông Lưu Quốc Hoà và vợ chồng doanh nhân Nguyễn Đức Lộc - Hoàng Thị Thêm và nhiều người con của Hà Nam đang làm ăn từ phương xa nhưng vẫn nhớ về quê hương cố quân. Họ còn giúp các chị trong trung đội lập Chi hội nữ dân quân Lam Hạ để các chị có chỗ gặp gỡ vui  với nhau trong lúc tuổi dời đã “cây cao bóng cả”

                    

 

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
11:29 | 31/01/2013
11:27 | 31/01/2013
11:16 | 31/01/2013
17:20 | 15/01/2013
16:07 | 20/11/2012
11:44 | 19/09/2012
09:52 | 23/07/2012
20:06 | 09/05/2012
Đăng ký thành viên