11:29 | 31/01/2013
Nghệ nhân làng tò he Chu Văn Hải
Từ Ngọc Lang
Ông Hải cũng như các nghệ nhân tò he của Xuân La, Phượng Dực đều có chung nét bình dị, chân chất đáng yêu. Gặp họ, bất cứ ở lễ hội nào, phiên chợ nào, dù ở thành phố hay ở nông thôn, họ cũng giống nhau ở chỗ lặng lẽ tìm một chỗ ngồi khiêm tốn. Bên cạnh là chiếc hòm nhỏ đựng đồ nghề có những viên bột nặn nhuộm đủ màu sắc, một bó que tre, một chiếc lược. Từ khi có hộp xốp, các nghệ nhân tò he còn chịu khó “trang bị” thêm cho mình một cái hộp xốp lật úp dùng để cắm những con tò he đã nặn xong.
Nhìn nghệ nhân Chu Văn Hải và bạn bè ông đang thoăn thoắt, say sưa nặn tò he, tôi chợt lóe ra ý nghĩ: Có lẽ, so với các nghề thủ công truyền thống của nước ta, tò he là một nghề độc đáo có nhiều cái “nhất”: đồ nghề để làm ra sản phẩm ít nhất (chỉ cần 1 cái lược); Thời gian làm ra một sản phẩm nhanh nhất (3 phút); nhân công để làm ra sản phẩm ít nhất (1người); mặt bằng làm việc và “trưng bày sản phẩm” chiếm diện nhỏ nhất (chỉ cần 0,8 m2); giá trị kinh tế một sản phẩm ít nhất (thường chỉ bán được 2000đ- 3000đ một con); nghệ nhân tò he hay đi xa nhà nhiều nhất; nghệ nhân tò he hay bị công an hay bảo vệ đuổi nhiều nhất (ông Hải cũng từng bị Công an đuổi và tịch thu đồ nghề); tò he là nghề mà có số nghệ nhân được Nhà nước công nhận ít nhất (đến nay mới được 2 người).
Tôi hỏi: Đến nay địa phương ta đã tìm ra được ai là ông tổ của làng nghề tò he chưa? Ông Hải lắc đầu:“Nghề nặn tò he là một nghề truyền thống mang đậm tính dân gian của người Việt, theo lưu truyền thì đã có từ khoảng 300 năm nay. Cũng có người cho rằng phải có từ trước nữa, nghĩa là phải 500 năm, nhưng cũng chưa có tài liệu nào để khẳng định. Vì không còn gia phả, tài liệu nào nói về ông tổ làng nghề nên không xác định được. Nghề làm tò he nhìn thì đơn giản nhưng muốn học nên nghề và trở thành người thợ tài hoa cũng đòi hỏi phải yêu nghề,vừa chịu khó nhưng phải vừa khéo léo và giàu sáng tạo. Do yêu quý, trân trọng công sức lao động của chúng tôi nên xã hội hay báo, đài các anh hay gọi chúng tôi là Nghệ nhân. Điều ấy cũng động viên chúng tôi nhiều lắm. Đến nay danh hiệu nghệ nhân làng nghề tò he được nhà nước công nhận mới chỉ có 2 người (nghệ nhân Đặng Văn Tố và nghệ nhân Chu Văn Hải- NV). Chúng tôi vẫn mong muốn nhà nước và xã hội cũng như Hiệp hội Làng nghề Việt Nam quan tâm tới làng nghề Tò he hơn nữa, để làng nghề chúng tôi có thêm có thêm những người được công nhận danh hiệu Nghệ nhân và danh hiệu Nghệ nhân giỏi”.
Sau giây lát trầm ngâm, ông Hải nhỏ nhẹ: Lại sắp bước vào vụ làm ăn của làng anh ạ. Cứ mỗi độ Xuân về, thiên hạ dập dìu đi lễ hội thì đấy cùng là lúc người làng Tò he Xuân La rong ruổi, xuôi ngược khắp nơi. Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh thường có vài chục anh em. Nhưng hình như nghề Tò he rất khó bước vào cánh cổng danh hiệu “Nghệ nhân thợ giỏi”. Đó là ước mơ là cái đích vươn tới của Nghệ nhân chúng tôi, để khẳng định rằng nghề nào cũng có người giỏi, nghề nào cũng xứng đáng được tôn vinh với vị trí cao nhất.
Tò he Xuân La, Phượng Dực đã từng có cơ hội đi sang tận Mỹ, Nhật và gần đây nhất là đi Pháp. Nói về những chuyến đi này, ông Hải trở nên hào hứng: Đó là những ngày người nặn Tò he Xuân La ai cũng cảm thấy thật hãnh diện, tự hào vì những con Tò he bình dị, đơn sơ của làng quê mình lại được trình diễn trên nhiều đường phố tráng lệ của nước Mỹ, Pháp, Nhật. Khi được trực tiếp xem Nghệ nhân nặn tò he ra sao, khi được cầm trên tay những con tò he sinh động, hồn nhiên và ngộ nghĩnh đã khiến cho trẻ em các nước này và cả người lớn cũng thích thú vô cùng. Nhiều bà con Việt kiều đã xúc động khi trò chuyện với Nghệ nhân làng Xuân La, ngắm nhìn những con Tò he này họ bồi hồi nhớ lại thuở ấu thơ vì Tò he là một trong những kỷ niệm không bao giờ quên. Thứ đồ chơi dân gian bằng bột tuy bình dị, rẻ tiền nhưng càng làm bà con Việt kiều thêm nhớ quê hương.
Tạm dừng câu chuyện vì trời đã tối, ông Hải mời tôi có dịp lại về Xuân La, Phượng Dực để trò chuyện tiếp và để gặp nhiều nghệ nhân yêu nghề khác nữa. Khi biết tôi còn một cô con gái học lớp 8, ông ấn vào tay tôi một bông hồng và bảo: “Anh mang về tặng cháu nhé”. Tôi cảm ơn ông Hải. Cầm trên tay bông hồng bằng bột gạo, nhưng tôi cảm thấy rất rõ những cánh hoa hồng tươi thắm như muốn hé mở nhìn trời đêm, nó còn nguyên hơi ấm từ bàn tay người nghệ nhân Xuân La tài hoa và cần mẫn.
Và Tết này, nếu bạn có dịp mình trong dòng người đông đúc đổ về các Hội chợ, lễ hội hay trong các công viên, vườn thú… thế nào bạn cũng sẽ gặp các nghệ nhân nặn Tò he của làng nghề truyền thống Xuân La. Đó là những người sẽ đem đến cho bạn, cho tôi những món đồ chơi bình dị nhưng lại cất giữ cho các thế hệ người Việt cả một tình yêu quê hương, đất nước.