Cô giáo Phạm Thị Thu Hương: “Xin hiến xác để tiếp tục có ích cho đời ”

17:20 | 15/01/2013

“Một ngày không xa, em không còn được nhìn thấy học trò của mình ngày một lớn khôn và có ích cho xã hội, vì vậy em có tâm nguyện được hiến xác cho Trường ĐH Y khoa để góp phần nhỏ bé vào công tác đào tạo của trường. Như thế cái chết của em ít nhiều tiếp tục có ích cho đời”- cô giáo Phạm Thị Thu Hương đã tâm sự với nhà báo như vậy.
Cô giáo Phạm Thị Thu Hương:  “Xin hiến xác để tiếp tục có ích cho đời ”

 

 

                                                                                            Bài, ảnh: Ngọc Lang

“Một ngày không xa, em không còn được nhìn thấy học trò của mình ngày một lớn khôn và có ích cho xã hội, vì vậy em có tâm nguyện được hiến xác cho Trường ĐH Y khoa để góp phần nhỏ bé vào công tác đào tạo của trường. Như thế cái chết của em ít nhiều tiếp tục có ích cho đời”- cô giáo Phạm Thị Thu Hương đã tâm sự với nhà báo như vậy.

 

Từ những năm tháng học dưới mái trường phổ thông, Phạm Thị Thu Hương (sinh 1973) đã mơ ước sau này sẽ làm cô giáo đứng trên bục giảng để được truyền thụ kiến thức cho các em học sinh.

          Ước mơ ấy đã trở thành sự thật khi Hương vượt qua nhiều khó khăn để thi đỗ vào Khoa toán- lý, Trường ĐHSP Hà Nội II.

Đến năm 1997, Hương tốt nghiệp và được phân công về dạy tại Trường THPT huyện Văn Yên, Yên bái. Hạnh phúc tiếp tục mỉm cười với cô giáo Hương, cuối năm đó cô lấy chồng và hơn một năm sau cô  sinh con trai đầu lòng.

           Nhưng niềm vui của gia đình cô giáo Hương đã không trọn vẹn. Khi con trai tròn 1 tuổi thì cũng là lúc cô giáo Hương bị đau nhức toàn thân, sức khỏe giảm sút, các ngón tay, ngón chân trở nên co cứng, cử động rất khó khăn. Gia đình đã đưa cô giáo Hương đi khám và điều trị ở nhiều Bệnh viện tuyến địa phương và trung ương, đi chữa trị ở các thầy thuốc đông-tây y ở nhiều địa phương nhưng không một ai, không bệnh viện nào nào đưa ra kết luận chính xác về căn bệnh mà cô đang mắc phải. Bệnh ngày càng nặng hơn, cả ngày lẫn đêm trong tình trạng toàn thân bị đau nhức, sức khỏe cô ngày càng giảm sút, không ăn không ngủ được. Trong khi đó các ngón tay ngón chân ngày càng co lại, quắp chặt vào nhau, khiến cô giáo Hương không thể tự lo mọi việc trong sinh hoạt hàng ngày. 

          Sau một thời gian cố gắng chăm sóc vợ, nhưng người chồng của Hương không thể đủ nghị lực để đi cùng người vợ ốm đau, bệnh tật nên đã xin ly hôn. Hôm tòa án xử ly hôn, cô giáo Hương xin được quyền nuôi con để hai mẹ con có thể nương tựa vào nhau. Thấy cô giáo Hương quá khó khăn, có người đã động viên cô giáo tìm đến ngôi chùa Quỳnh Lâm ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội để được nương nhờ cửa Phật, vì ở đây có sư thầy Thích Đàm Huệ là người giàu lòng nhân ái. Trong thời gian sống tại chùa, cô giáo Hương đã làm đơn tự nguyện xin được hiến xác cho Trường Đại học Y khoa Hà Nội sau khi mất để phục vụ cho công tác đào tạo của nhà trường.

Cảm phục trước nguyện vọng mang ý nghĩa cao quý của cô giáo Hương, chúng tôi đã tìm về chùa Quỳnh Lâm. Khi được hỏi về ý nguyện xin hiến xác sau khi mất, cô giáo Hương xác nhận: “Đúng là em đã có đơn gửi đến Trường ĐH Y Hà Nội xin được hiến xác. Với tình trạng bệnh tật của mình, em biết sẽ một ngày nào đó mình không được sống trên cõi đời này. Em đã phấn đấu để thực hiện ước mơ từ nhỏ là được làm một giáo viên bình dị, được giảng dạy cho đàn em thân yêu, được sống giữa tình cảm và ánh mắt, nụ cười của các em học sinh đã mãi mãi là sự nghiệp dở dang. Một ngày không xa, em không còn được nhìn thấy học trò của mình ngày một lớn khôn và có ích cho xã hội, vì vậy em có tâm nguyện được hiến xác cho Trường ĐH Y khoa để góp phần nhỏ bé vào công tác đào tạo của trường. Như thế cái chết của em ít nhiều tiếp tục có ích cho đời”.

          Hiện hai mẹ con cô giáo Hương sống tại chùa, con trai cô giáo Hương vẫn đi học tại ngôi trường THPT trong xã. Được nhà chùa giúp đỡ, nhưng điều kiện vật chất của nhà chùa cũng khó khăn nên mọi sự quan tâm, chăm lo của mọi người đối với cô giáo Hương cũng rất hữu hạn. Khi được hỏi về sưc khỏe, cô giáo Hương cho biết: Thời gian qua, có nhiều người đã đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ cô. Trong số những người đến thăm hỏi, đặc biệt có một cô giáo tên là Lan vốn là giáo viên một Trường CĐSP nay đã nghỉ hưu và sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Cô Lan sinh trưởng trong một gia đình có kinh nghiệm về y học dân tộc. Biết được hoàn cảnh của Hương, với tình cảm đồng nghiệp, chị Lan đã chữa trị cho em theo phương pháp “diện chẩn”, chỉ dùng hương ngải hơ nóng tác động vào các huyệt trên người em. Ban đầu em nghĩ là không hy vọng vì những năm qua, em đã đi điều trị ở rất nhiều bệnh viện nhưng không đem lại kết quả, nhưng chị Lan rất nhiệt tình và thương yêu, thông cảm với sức khỏe của em nên tìm đến nhờ chị điều trị. Thật kỳ lạ, sau gần hai tuần điều trị, em đã đỡ đau nhức xương. Đặc biệt là thấy khỏe hơn, ai cũng nhận xét là khuôn mặt em đã có thần sắc, thay vì xanh rớt như trước đây. Các ngón tay trước kia co quắp lại thì nay đã có thể duỗi ra nhiều hơn. Chân đỡ tê cứng nên đi lại cũng khá hơn trước. Tuy là những kết quả ban đầu nhưng cũng giúp cho sức khỏe của em khá lên rất nhiều.

     Sư thầy Thích Đàm Huệ cũng bày tỏ mong nhận được sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ của mọi tấm lòng của bà con gần xa để cô Hương có thêm điều kiện để chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.

Ảnh: Cô giáo Hương và sư thầy Thích Đàm Huệ.                                                                                                           

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
11:29 | 31/01/2013
11:27 | 31/01/2013
11:16 | 31/01/2013
17:20 | 15/01/2013
16:07 | 20/11/2012
11:44 | 19/09/2012
09:52 | 23/07/2012
20:06 | 09/05/2012
Đăng ký thành viên