09:52 | 23/07/2012
Hoa Nhập Nhân
dưới mái chùa Vĩnh Nghiêm
Lê Hoài Nam
Cách đây khoảng hơn một tháng tôi có dịp lên thăm viếng chùa Vĩnh Nghiêm, một ngôi chùa cổ và lớn ở tỉnh Bắc Giang. Tôi lên đây, ngoài việc thông lệ là lễ Phật còn muốn xem những mộc bản còn lưu giữ ở ngôi chùa này. Tôi hết sức ngạc nhiên bởi qua bao phen binh lửa chiến tranh, tao loạn; qua bao triều đại khi ấm nóng khi lạnh nhạt với cửa thiền mà các thế hệ chân tu ở đây vẫn giữ được hàng ngàn tấm mộc bản, hàng chục pho tượng có từ triều Lý đến triều Nguyễn. Nghe nói ngày xưa để có những bản mộc này, người ta phải trồng một rừng thị xung quanh khuôn viên ngôi chùa. Gỗ thị làm bản in rất mịn và bền. Xong việc, tôi ra ngoài dạo chơi vãn cảnh chùa. Bỗng tôi bắt gặp một cây hoa lạ. Cây hoa tọa lạc trong một vuông đất nhỏ dưới mái hiên phía sau chùa. Nhìn thoáng, tôi ngỡ đó là cây khế. Đến gần hơn lại tưởng cây lan tiêu. Nhưng càng nhìn lâu tôi càng bị cuốn hút bởi cái thân cây thì nhỏ mà đã in những dấu tích phong sương dầy dạn của thời gian. Hoa của nó trắng muốt như hoa nhài nhưng cánh hoa mỏng manh hơn. Các bông hoa đều ẩn trong những vòm lá một cách khiêm nhường. Tôi hỏi thượng tọa trụ trì ở đây thì ngài cho biết tên của nó là cây Hoa Nhập Nhân. Cây hoa chỉ cao tầm 5 đến 6 mét nhưng tuổi thọ của nó thì đã hơn 700 năm. Một sức sống kỳ diệu.Tôi hỏi thượng tọa: sao cây hoa lại có tên Nhập Nhân? Thượng tọa chỉ tay về phía những bông hoa trắng đang nở e ấp trong những khóm lá, bảo: “Anh chưa ngửi thấy mùi hương đúng không?”. Tôi thú nhận là khứu giác tôi chưa thấy gì cả. Thượng tọa liền đưa tay vin xuống một cành gần nhất có bông hoa vừa chớm nở, bảo tôi: “Anh khẽ sờ tay vào bông hoa này xem”. Tôi làm theo thì bỗng như có một phép nhiệm màu: từ bông hoa tỏa ra một mùi hương dìu dịu, tinh khiết và có gì đó rất thiêng liêng. Thì ra vậy, phải có hơi hướng con người tác động vào thì hoa mới tỏa hương! Gọi tên Hoa Nhập Nhân là như thế! Tôi nói với thượng tọa rằng lần đầu tiên trong đời tôi bắt gặp loài hoa này. Thượng tọa nói: “Cũng không có gì lạ, bởi loài hoa này hiếm lắm. Nếu anh hiểu ít nhiều về Phật giáo thời Trần, nhất là thiền phái Trúc Lâm thì anh sẽ hiểu vì sao các cụ lại trồng phía sau chùa một cây hoa Nhập Nhân!”.
Sự gợi ý của thượng tọa khiến tôi vỡ nhẽ ra những điều thật thú vị. Nhớ về giai đoạn đầu triều Trần, các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông vừa có kiến thức thế học vững chắc vừa có trình độ Phật học uyên thâm. Họ cai quản lãnh thổ, lãnh đạo đất nước không chỉ bằng chính trị, quân sự mà còn bằng nền văn hóa Phật giáo. Họ vừa là những ông vua hùng lược lại vừa là những học giả uyên bác, những nhà hiền triết uyên thâm. Triều đình và thần dân rất gần gũi, đồng trí đồng lòng. Do vậy mới có một triều Trần vừa đánh giặc Nguyên Mông, một đội quân xâm lược hung hãn nhất hành tinh lúc bấy giờ, vừa chấn hưng văn hóa xây dựng một đất nước Đại Việt cường thịnh.
Văn hóa Phật giáo nhà Trần phát triển mạnh đến độ thu hút cả những ông vua và các quan đại thần đi tu. Ông vua đầu triều Trần Thái Tông ít nhất đã một lần đến chùa toan trút bui trần xuống tóc đi tu, nhưng do sự can gián của các đại thần mà ý định của ngài chưa thực hiện được. Vua Trần Nhân Tông thì sau hai lần chỉ huy đáng thắng quân Nguyên Mông mang lại nền hòa bình cho đất nước, ngài đã nhường ngôi cho con rồi lên Yên Tử tu hành. Tại đây ngài có điều kiện nghiên cứu sâu hơn về Phật giáo. Nhận thấy ba trường phái Phật giáo thịnh hành lúc bấy giờ là thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền phái Vô Ngôn Thông, thiền phái Thảo Đường với các vị tổ là người Trung Quốc, người Ấn Độ đều có những điểm không phù hợp lắm với vị thế và hiện tình đất nước cũng như tâm lý của người Việt, Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng với các thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang đã sát nhập ba thiền phái làm một, chọn lọc những cái hay cái đẹp mà thừa kế, bổ sung thêm những quan niệm mới cho phù hợp, trở thành thiền phái Trúc Lâm, gọi là Trúc Lâm Tam Tổ. Gọi như thế nhằm vinh danh ba người sáng lập. Trúc Lâm Tam Tổ trở thành thiền phái chính của Thiền Tông Việt Nam trong một thời gian dài. Phật hoàng Trần Nhân Tông còn viết hẳn một tác phẩm có tên “Cư trần lạc đạo” để truyền bá về thiền phái này. Triết lý của Trúc Lâm: Người đi tu không nhất thiết cứ phải vào chùa. Tu ở giữa trần gian nhân thế, tu ngay tại gia, tu ở chốn triều chính, công sở, tu cả lúc cầm quân ra trận. Tu như thế mà vẫn đắc đạo. Tu như vậy là tu tại tâm. Phật có tự tâm. Dung dưỡng Phật ở trong tâm. Trong “Cư trần lạc đạo”, Trần Nhân Tông viết:
Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Quên mất gốc nên ta tìm bụt
Đến cốc mới hay chính bụt là ta
Và:
Tịnh độ là lòng trong sạch
Đâu còn ngờ hỏi đến Tây phương.
Quan niệm này đã giúp các vua Trần thu phục nhân tâm, lấy chúng sinh làm đối tượng phục vụ, văn hóa Phật giáo hòa vào nền văn hóa dân tộc, làm cho nó phát triển có bản sắc vững chắc.
Cái năm Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng với hai thiền sư Huyền Quang và Pháp Loa lên chùa Vĩnh Nghiêm thuyết giảng, giáo hóa các nhà sư và các Phật tử theo thiền phái Trúc Lâm, tôi đoán có lẽ các ngài đã cho trồng cây hoa Nhập Nhân vào dịp đó. Cây hoa như một lời khuyến cáo, nhắc nhở các nhà tu hành, các Phật tử, dù họ làm công việc gì, đi đâu, ở đâu mà có nhân tâm thờ Phật thì tâm sẽ thịnh, đức sẽ vượng, tính người tích tụ, tay người đụng vào hoa, hoa sẽ tỏa hương thơm. Tu như thế là đắc đạo vậy!
Suốt hơn 7 thế kỷ qua, vì rất nhiều lý do của lịch sử mà thiền phái Trúc Lâm tồn tại một cách khiêm nhu bên những tôn giáo khác. Những năm gần đây, xã hội Việt Nam đồng tiền có xu hướng lên ngôi, khoa học xã hội nhân văn bị rẻ rúng, luân thường đạo lý đảo lộn, tội ác sinh sôi như nấm sau mưa, nhiều người đến cửa thần cửa Phật trong tâm thế thị trường kẻ chợ, dâng lễ vật cầu xin thần Phật phù hộ cho lắm tiền nhiều của, thành đạt hơn người. Có kẻ còn cầu cho những đối thủ chính trị, đối thủ kinh doanh của mình lụn bại, chết bất đắc kỳ tử để cho mình rộng đường thăng tiến! Quan sát những cảnh tượng ấy các thiền sư Trúc Lâm không còn bình tâm được nữa. Họ tìm cách chấn hưng thiền phái của mình cùng với sự làm mới Thiền Tông Việt Nam. Các thiền viện Phụng Hoàng (Lâm Đồng), Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Thường Chiếu (Thừa Thiên – Huế), Sùng Phúc (Tiền Giang), Tư Quang (Của người Việt ở Hoa Kỳ)…được ra đời là mang cái ý nghĩa đó.
Trong một cuộc hội thảo về Phật giáo tại Quỹ Hợp tác và Phát triển, một tổ chức phi chính phủ cách đây ít ngày, các tỳ kheo và thiền sư từ các thiền viện về tham dự khá đông. Trong khi tham luận, họ nói: “Những năm qua các thiền viện ra đời, ngoài công việc giáo hóa, hoằng dương Phật pháp cho các nhà tu hành còn mở các lớp hướng đạo cho mọi tầng lớp chúng sinh, trong đó thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên là phần nhiều. Hè năm 2012 này, riêng thiền viện Tây Thiên mở liên tiếp các lớp cho sinh viên, học sinh. Họ đến xin học thiền, tu tập rất đông. Đông hơn hẳn các năm trước. Đến đây, các em được hướng dẫn những kiến thức cơ bản của Thiền tông Việt Nam, từ đó mà giác ngộ, ăn năn xám hối, nhìn soi rọi vào bản thân mình mà vun trồng tâm Phật.
Tôi chưa kịp hỏi các vị tỳ kheo và thiền sư rằng, đã khi nào các ngài có dịp ngắm cây Hoa Nhập Nhân dưới mái hiên chùa Vĩnh Nghiêm chưa? Nếu các ngài đã có dịp chiêm ngưỡng cây hoa diệu huyền đó, các ngài có mang ý định chiết ghép mỗi người một cành đem về trồng trong khuôn viên thiền viện, nơi các ngài trụ trì? Nếu các ngài làm được việc đó, các thiên viện của các ngài sẽ mang một ý nghĩa linh diệu hẳn lên. Tôi rất tin như vậy.
Hà Nội, tháng 7 năm 2012.