Hai người đầy tớ phía trời Tây

11:41 | 19/09/2012

Trong căn phòng nồng nặc mùi cồn, ê te, thuốc men, vị tổng thống có dáng cao, gầy cứ ngồi nắm một bàn tay người thương binh và nói những lời nhẹ nhàng, trìu mến cho đến cái giờ khắc anh ta trút hơi thở cuối cùng.
Hai người đầy tớ phía trời Tây

 

                                                                                    Lê Hoài Nam

      

 

Người thứ nhất:

Vào một buổi tối giá lạnh nơi miền bắc bang Virginia, Hoa Kỳ, có một cụ già ngồi co ro bên bờ sông chờ cơ hội có người đi qua còn nhờ họ giúp mình qua sông. Hẳn rằng cụ ngồi đó đã lâu nên râu tóc và lưng dính đầy tuyết trắng. Rồi cụ bỗng nghe từ phía sau có những tiếng vó ngựa. Cụ nhận ra một toán người cưỡi ngựa tiến về phía bờ sông, lần lượt lướt qua trước mặt cụ, rồi đi xuống dòng sông. Trong ánh sáng huyền hoặc của những ngọn đèn đường, cụ quan sát từng khuôn mặt của toán người. Chờ mãi đến người sau cùng đi đến, cụ nhìn soi vào mặt một thoáng rồi mới nói:

- Thưa ông, ông có thể giúp già này sang bên kia sông được không? – rồi cụ giải thích thêm – Con sông này không sâu, nhưng giờ này thì không có chỗ nào già có thể lội qua được.

Người này bỏ cái mũ phớt ra giũ giũ cho những bông tuyết rơi xuống, ghìm cương ngựa sát chỗ ông già ngồi, nói:

- Chắc chắn là được. Xin mời ông lên!

Ông già cựa quậy như không nhấc nổi tấm thân gầy khô lên khỏi lớp tuyết, người đội mũ phớt xuống ngựa, đưa tay cho ông già nắm, dắt ông lên yên ngồi đằng sau mình. Cho ngựa lội qua sông, người đội mũ phớt còn chở ông lão đi thêm một quãng dài, tới tận ngôi lều mái lợp lá của cụ. Khi ngựa dừng trước cửa lều, người đội mũ phớt hỏi cụ già:

- Thưa cụ, mấy người cưỡi ngựa đi trước tôi, sao không nhờ người ta giúp đỡ mà lại nhờ người đi sau cùng là tôi? Nếu giả sử tôi từ chối thì cụ tính sao?

Ông già chậm rãi, nhẹ nhàng bước xuống khỏi yên ngựa, rồi trả lời:

- Thưa ông, khi những người ấy đi qua, quan sát họ, tôi biết chắc họ sẽ không quan tâm đến tình trạng của tôi, có xin xỏ họ cũng vô ích. Nhưng khi nhìn vào ông, tôi nhận thấy rất rõ sự tử tế và lòng từ tâm, tôi biết ông sẽ làm cái việc mà tôi khẩn cầu!

Gương mặt người cưỡi ngựa hiển lộ một trạng thái xúc động trước những lời nói thành tâm của cụ già. Ông ta nói:

- Tôi rất biết ơn những lời nói của cụ. Tôi không quá bận đến nỗi không giúp đỡ được một người già cả như cụ qua con sông băng giá này.

Nói xong, ông ta phác một cử chỉ tạm biệt, thúc ngựa đi. Người cưỡi ngựa đội mũ phớt ấy chính là tổng thống Thomas Jefferson. Sau khi chia tay cụ già, Thomas cho ngựa phi thật nhanh cho kịp về tòa Bạch ốc trước khi trời sáng.

Người thứ hai:

Vào thời kỳ xảy ra cuộc nội chiến ở Mỹ, Tổng thống Abraham Lincoln thường dành thời gian đi đến các bệnh viện để thăm hỏi, động viên những thương binh. Một lần  các bác sĩ chỉ cho Abraham Lincoln biết một người lính bị thương nặng sắp chết, không thể cứu vãn. Tổng thống bước đến bên giường của anh ta, ngồi xuống bên cạnh, hỏi:

- Tôi có thể giúp được gì cho anh lúc này không?

Người lính trẻ đau đớn, mắt nhòe đi, không nhận ra Tổng thống, anh ta chỉ có thể cố gắng nói những lời thì thào đứt quãng:

- Xin ông làm ơn viết cho mẹ tôi một lá thư...

Tổng thống ra hiệu cho người cận vệ mang giấy bút đến. Abraham Lincoln viết tất cả những lời anh lính nói: “Mẹ thân yêu của con. Con đã chiến đấu và không may bị thương nặng. Con biết mình sẽ không thể bình phục được nữa. Xin mẹ đừng quá đau khổ về con. Hãy hôn Mary và John cho con. Xin Chúa ban phước cho bố và mẹ làm lành với nhau...”. Người lính đã quá mệt, không thể đọc tiếp được nữa, Abraham Lincoln phải ký tên giúp anh ta, rồi ông viết thêm: “Lá thư đã được Abraham Lincoln viết giùm con trai bà”.

Người thương binh quờ tay nhận bức thư cố mở to mắt xem lại. Anh vô cùng ngạc nhiên, hỏi:

- Ngài là Tổng thống Abraham Lincoln thật sao?

- Phải, chính tôi – Abraham Lincoln đáp, rồi nói tiếp – Tôi có thể làm gì thêm với anh nữa không?

Người thương binh nói:

- Ngài làm ơn cầm lấy tay tôi, cho tôi đi về nước Chúa nhẹ nhàng...

Trong căn phòng nồng nặc mùi cồn, ê te, thuốc men, vị tổng thống có dáng cao, gầy cứ ngồi nắm một bàn tay người thương binh và nói những lời nhẹ nhàng, trìu mến cho đến cái giờ khắc anh ta trút hơi thở cuối cùng.

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
10:49 | 07/04/2014
14:49 | 31/01/2013
21:08 | 15/01/2013
16:10 | 20/11/2012
15:23 | 20/11/2012
12:01 | 19/09/2012
11:41 | 19/09/2012
19:38 | 24/07/2012
20:16 | 09/05/2012
Đăng ký thành viên