20:16 | 09/05/2012
Phạm Vũ
TẦM NHÌN TỪ PARIS
Ý tưởng sáng tạo ra tượng Nữ thần Tự do nổi lên trong nhiều buổi nói chuyện giữa hai người Pháp, Lefebvre de Laboulaye và Auguste Bartholdi . Hơn một thập niên, họ soạn thảo kế hoạch về điều mà, rốt cuộc, trở thành biểu tượng quốc gia được nhiều người biết đến nhất cùa Hoa Kỳ. Thật là lạ lùng, đó là Laboulaye (1811- 1883) - một học giả, giáo sư Lịch sử ở Đại học Paris, thích bàn luận và những Hiến pháp của châu Âu; nhưng lại chính là nước Mỹ đã khiến ông quan tâm nhất – ông đã có ý tưởng là việc Sáng tạo ra bức tượng cần có trước, sau đó mới là nghệ sĩ. Đối với Laboulaye, Hiến pháp Hoa Kỳ là một tài liệu hết sức nổi bật: nó bảo đảm hiệu quả cả hai nền dân chủ và sự ổn định chính trị, tuy có thể khiến quốc gia non trẻ trải qua những cơn giông bão chính trị mà không quay lùi trở lại chế độ vua chúa.
Thay vì có khuynh hướng về học thuật, Laboulaye lại thiên về chính trị. Một trong các lý do cho sự thay đổi này là cuộc Nội chiến Hoa Kỳ: ý nghĩ duy nhất về Hoa Kỳ yêu quý của ông - đang bị chia cắt thành hai quốc gia riêng biệt - bị chấn động sâu sắc. Và tệ hơn nữa là, có một cơ hội thực sự mà nước Pháp có thể công nhận sự độc lập cùa Confederacy (tên quốc gia ly khai Miền Nam nước Mỹ với 11 tiểu bang) – một hành động tạo ra hậu quả chính trị sâu xa mà có thể giúp Miền Nam thắng cuộc chiến và duy trì chế độ nô lệ. Lo sợ về điều này, Laboulaye bắt đầu viết các sách nhỏ nhân danh sự nghiệp chính đáng của Tổng thống Lincoln và Liên Bang (Miền Bắc với 22 tiểu bang). Những hoạt động của ông và của những người khác đã khiến nước Pháp do dự và, trong khi cuộc Nội chiến tiếp diễn, Paris dần dần bỏ hẳn ý nghĩ công nhận Miền Nam. Những nỗ lực của Laboulaye được các Hội đoàn Liên Bang ở Philadelphia và New York hoan nghênh.
Laboulaye cũng lo lắng sâu xa do tình hình chính trị trong chính nước ông. Từ năm 1852, nước Pháp do vua Napoleon III cai trị. Bởi vì thế, Laboulaye và các người cấp tiến khác mơ mộng nếu Pháp có bao giờ trở thành một nền Dân chủ chính hiệu.
Tháng 6 - 1865, vị giáo sư tổ chức một bữa tiệc cùng với một số thân hữu mà đều mơ về một nước Pháp tự do hơn. Trong số họ là nhà điêu khắc Bartholdi. Laboulaye thực sự quan tâm đến tài năng nghệ thuật của vị này – ông đã nhờ Bartholdi nặn cho mình bức tượng bán thân của chính ông. Tuy nhiên, trong bữa tiệc, Laboulaye tuyên bố là Pháp nên tặng một món quà cho Hoa Kỳ để chúc mừng thế kỷ đầu tiên của Liên Bang này - chỉ mới 11 năm trôi qua.
KHAI SINH RA MỘT HÌNH TƯỢNG KHỔNG LỒ
Với ý tưởng tặng một món quà thế kỷ cho Mỹ, hai ông trở lại thế giới riêng của mỗi người. Mùa thu năm 1865 – cuộc Nội chiến Hoa Kỳ vừa mới kết thúc - Laboulaye thành lập Hội Giải phóng của Pháp để tài trợ các nô lệ cũ ở Mỹ. Trong khi đó, Bartholdi đã lập một phòng vẽ ở Paris thập niên trước, nổi tiếng là một nhà điêu khắc tài hoa. Rồi ông bắt đầu mơ tới sự huy hoàng to lớn hơn: tái tạo một hình tượng chính gốc của cổ Ai Cập và Hy Lạp cổ điển – đã từng du lịch đến Ai Cập, ông sửng sốt trước các kim tự tháp nên kỳ vọng ngày nào đó sẽ tạo cho chính mình một tuyệt phẩm kiến trúc. Trong lúc này, về mặt chính trị, vua Napoleon hoảng hốt vì bị phê bình, đã bắt đầu nhiều sự cải cách cấp tiến thực sự. Được khích lệ, Laboulaye bật đèn xanh cho Bartholdi tiến hành dự định. Nhà điêu khắc nặn hai tượng mẫu về Tự do bằng đồ gốm. Mặc dù tương tự hình tượng Ai Cập của Bartholdi, sự khác biệt của nó là bức tượng giống hình Nữ thần Tự do của La Mã (Libertas) và khuôn mặt tượng giống Jean - Jacques Barre ở trong Quốc huy nước Cộng hòa Pháp. Hai người bạn hài lòng là hình tượng này sẽ là món quà hoàn hảo cho nền dân chủ không thể lay chuyển nổi của Mỹ.
Nền chính trị nước Pháp đã đổi thay với việc sụp đổ của vương triều Napoleon trong chiến tranh Pháp – Phổ. Với nền dân chủ phục hồi hoàn toàn bảo đảm, Laboulaye khuyến khích Bartholdi đi thăm nước Mỹ, nói rằng: “Hãy đề nghị với những người bạn bên ấy tham gia cùng với chúng ta trong việc xây một đài kỷ niệm, một công việc bình thường nhằm để kỷ niệm tình bạn cố tri của Pháp và Hoa Kỳ”.
Vào tháng 6 - 1871, Baretholdi đáp tàu buồm đến cảng New York. Với sự xúc động, ông viết: Cảnh quan tuyệt mỹ khi ta đến New York với những đường phố bao la, sông và biển chạy dài xa tít chân trời… nó gây nên cảm giác mạnh mẽ.
Trong khi tìm kiếm nơi để đặt tượng Nữ thần Tự do, ông bất ngờ thấy cảnh quan của một hòn đảo nhỏ nằm ngay gần bờ biển thành phố Jersy (tiểu bang New Jersy ở sát cạnh New York). Đó là hòn đảo Bedloe rộng độ 10ha cùa Thành phố New York, lúc ấy là thuộc Quân đội Hoa Kỳ, trên đảo có đồn canh Fort Wood cũ – một vị trí tuyệt vời cho Nữ thần tại vị.
Với thư giới thiệu nồng nàn của Laboulaye, Bartholdi có thể gặp gỡ những nhân vật Mỹ nổi tiếng ở Philadelphia và ông đều được nhiệt tình giúp đỡ. Kế tiếp, ông đến gặp Tổng thống Mỹ Grant nói và giới thiệu về kế hoạch của mình. Chàng nghệ sĩ đã gặp nhiều bạn bè của Laboulaye và đi khắp nước Mỹ tới Chicago, dãy núi Rocky, Utah và California. Bartholdi trở về Pháp vào mùa thu năm đó, ông có thể tóm tắt là Hoa Kỳ là một quốc gia giàu mạnh và bao la, đang phát triển rực rỡ.
Hiệp Hội Pháp - Mỹ và Uỷ Ban của Pháp
Năm 1875 có sự đột phá cho kế hoạch: Bartholdi hoàn thành mẫu chính thức của Nữ thần Tự do – một bức tượng đứng thạch cao, cao 1,25m – và vào tháng 4, Laboulaye thành lập tổ chức “Hiệp hội Pháp-Mỹ” mà bao gồm các Ủy ban gây quỹ của Pháp và Mỹ.
Để tiến hành việc gây quỹ, Laboulaye tổ chức một bữa tiệc lớn, ông giải thích mục đích của Hiệp hội Pháp - Mỹ và tiết lộ mẫu chính thức của tượng Tự do. Thành công vượt bậc, buổi tiệc đã quyên góp được 40.000 franc. Trong vài năm kế tiếp, Hiệp hội tổ chức hàng loạt các sự kiện để gây quỹ và sự quan tâm của công chúng, báo chí Pháp. Ủy ban nước Pháp tin tưởng là bức tranh sẽ sáng sủa. Họ đã hoàn toàn đúng. Một cuộc xổ số toàn quốc và bán tranh về bức tượng Tự do tý hon đã gây ra một không khí xúc động, trong khi cuộc trưng bày mẫu tượng ở vườn Tuileries gây ra sự náo động. Cho tới năm 1880, quỹ đã đạt dược mục đích: góp được tương đương 400.000 usd sau khi hơn 100.000 người dân Pháp đã tham gia.
Thành lập Ủy ban nước Mỹ
Mặc dầu mọi người đều biết rằng người Mỹ phải xậy Bệ đặt tượng Tự do, nhưng chưa có điều gì được tiến hành. Lo lắng sâu xa, Bartholdi gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Ngoại giao W.M.Evarts nhờ giúp đỡ. Bộ trưởng liền tổ chức cuộc họp gồm các đại gia New York, thành lập Ủy ban nước Mỹ để gây quỹ cho việc xây bệ vào tháng 1 - 1877 và Evarts làm chủ tịch Ủy ban. Một cuộc triển lãm bán tranh nghệ thuật cho việc xây bệ tượng. Một sự kiện là bài thơ “Bức tượng Khổng lồ mới” của nữ sĩ Emma Lazarus cùng với các vật có giá trị khác đựng trong một bao da, được đem bán đấu giá và đã bán với giá cao nhất là 1.500 USD.
Xây dựng Tượng Tự do
Năm 1872, Bartholdi gặp giáo sư môn kiến trúc cũ của ông, Viollet - le - Duc và nhờ Giáo sư làm kỹ sư chính của bức tượng.Từ hình mẫu nhỏ, sau nhiều lần, cuối cùng bức tượng cao 46m. Việc lớn lao nhất là mạ đồng, đây là quà tặng của Pierre Secretan, nhà chế tạo công nghệ đồng hàng đầu của Pháp.
Sau đó, kỹ sư Alexandre Eiffel nổi tiếng về Tháp Eiffel (1889) - mới đầu bị chê bai, về sau chính Tháp này trở nên biểu tượng xinh đẹp của Pháp - thay thế vì Giáo sư bất ngờ từ trần. Eiffel không mấy khó khăn khi thiết kế một bộ khung bằng thép khổng lồ, vững chắc cho bức tượng khổng lồ, được mạ đồng ở ngoài có thể đứng bền vững, chắc chắn trước mưa bão, giông tố - tọa lạc giữa hòn đảo nhỏ xíu ngay lối vào của cảng New York, nằm giữa biển cả mênh mông.
Tới tháng 6 - 1884, tượng Tự do cuối cùng hoàn thành, bức tượng nhìn thật là ấn tượng. Ngày 4 - 7, Nữ thần được chính thức giới thiệu với Đại sứ Mỹ - do Lesseps Chủ tịch mới của Hiệp hội Pháp - Mỹ (Laboulaye mới qua đời một năm trước).
Tháng 1 - 1885, Nữ thần được chia ra nhiều phần nhỏ, đánh số thứ tự trước khi được chở đi trong 214 thùng lớn. Tất cả được xe lửa chở tới cảng Rouen, nơi đây tượng Tự do xếp lên tàu Isere của Hải quân Pháp chở từ ngày 21 - 5 tới cảng New York vào ngày 17 - 6.
Chiến dịch xây Bệ tượng và công lao của Pulitzer
Trong khi người Pháp bận rộn với bức tượng Tự do, Ủy ban của Mỹ cũng đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, nhưng tới lúc bức tượng Tự do đến Mỹ, họ còn nhiều việc phải hoàn thành. Mặc dù Ủy ban quyên góp được 182.491,40usd, một số tiền khá lớn lúc đó nhưng đã chi tiêu cho việc xây dựng, chỉ còn lại 3.000usd. Một sự thất vọng hiện ra.
Nhìn thấy dịp may để cứu giúp Ủy ban và gia tăng sự lưu hành tờ báo của ông, Joseph Pulitzer, người xuất bản tờ “New York World” liền ngỏ ý giúp đỡ. Vào tháng 3 - 1885, ông mở chiến dịch quyên góp được 100.000usd. Ông có ý tưởng gây ấn tượng mạnh là cho in tên của tất cả các mạnh thường quân lên trên báo của ông, hàng ngàn học sinh, nội trợ lao động và người di dân… đã đóng góp rất nhiều tiền, cho tới tháng 8, tờ báo World đã quyên góp được 102.000usd, mang chiến dịch đến thắng lợi. Cả Bartholdi và Ủy ban của Mỹ đều cảm ơn sâu sắc về sự tham gia đúng lúc của Joseph Pulitzer (1847 - 1911 - Ông cũng là sáng lập Giải thường Pulitzer về báo chí danh giá của Hoa Kỳ công bố hàng năm. Chính John Kennedy đã được lãnh giải thường Pulitzer khi còn trẻ, sau đó mới lên làm Tồng thống Mỹ).
Việc xây Bệ tượng Tự do trên đảo Bedloe
Nhờ Tổng thống Mỹ can thiệp với Bộ Quốc phòng nên đồn canh được dời đi để lấy chỗ cho việc xây Bệ tượng trên đảo Bedloe. Năm 1881, Ủy ban của Mỹ chọn kiến trúc sư Richard Hunt – người Mỹ đầu tiên học Trường Mỹ thuật Paris – thiết kế Bệ tượng. Và ông hoàn thành Bệ tượng- với kết cấu có thể vừa cứng cáp vừa đàn hồi để đương đầu với gió bão dữ dội thổi vào từ Đại Tây dương - vào tháng 4 - 1886 và, khi hòn đá cuối cùng đã an toàn vào chỗ dựng Tượng trên đảo Bedloe (sau Tổng thống Eisenhower đổi tên đảo này là đảo Tự do, ông cũng sáp nhập Hawaii và Alaska vào Liên Bang, từ 48 lên 50 tiểu bang, nên đã có cuộc thi thiết kế Quốc kỳ mới với 50 ngôi sao ở trên góc cờ). Trong nhiều tháng, tượng Tự do được lắp vào trên Bệ cao, khung tượng được ráp lên trước và sau đó các miếng đồng mỏng được ghép bằng đinh tán trên đó theo chiều ngang, uốn vòng tròn, từ từ lên cao, trước khi lên đến đỉnh cao. Phần đầu, hai bàn tay và ngọn đuốc được ráp vào tháng 10, ngay trước lúc bỏ màn che bao trùm bức tượng.
Khánh thành và Tiếp nhận bức tượng Nữ thần Tự do
Vào thứ Năm, ngày 28 - 10 - 1886, Nữ thần Tự do được khánh thành và mở màn che; ngày này được công bố là một ngày Lễ chính thức. Lễ hội được tổ chức thành ba sự kiện: - Cuộc diễn hành lớn đi ngang qua đại lộ Broadway (diễu hành có tung băng giấy đầu tiên của New York) - Cuộc tập trung lớn các tàu thủy ở hải càng và cuối cùng là Nghi thức kéo màn che bức tượng trên đảo Bedloe.
Khi nghi thức bắt đầu vào lúc 3:15 chiều, hàng loạt đại bác được bắn từ đồn canh ở đảo Governor, trong khi còi hơi nước của các tàu thủy thổi vang lừng không trung. Lời cầu nguyện và diễn văn tiếp theo. Thượng nghị sĩ Evarts đọc diễn văn giới thiệu quan khách. Giữa bài diễn văn, ông bất ngờ ngưng một lát, và vị phụ tá của Bartholdi, nghĩ là Evarts nói xong, báo hiệu cho Bartholdi đang đứng nhìn lên vương miện của Nữ thần Tự do, ông liền tháo sợi dây và quốc kỳ nước Pháp bung ra từ khuôn mặt của Nữ thần. Đại bác bắt đầu được bắn lên trời vang động để chào mừng Nữ thần. Khi tiếng ầm ĩ lắng xuống, Thượng nghị sĩ kết thúc bài diễn văn và Tổng thống Hoa Kỳ Grover Cleveland đứng lên Tiếp nhận bức tượng, tuyên bố: “Chúng ta sẽ không quên rằng Nữ thần Tự do đã nhận nơi đây làm quê hương của Bà, cũng như chúng ta phải chăm sóc bệ thờ mà Bà đã lựa chọn. Những người dâng hiến tự nguyện sẽ duy trì ngọn lửa rực cháy mãi mãi và những điều này sẽ chiếu lấp lánh trên bờ biển nước cộng hòa huynh đệ của chúng ta, từ nơi đó và, tham dự vào với các tia sáng thích nghi, một luồng sáng sẽ phá tan màn đêm của sự dốt nát và áp bức của nhân loại cho tới khi Tự do khai sáng toàn thế giới” (Liberty enlightening the World) – đây cũng là tên đầy đủ của bức tượng Nữ thần Tự do. (Cleveland là vị Tổng thống duy nhất làm hai nhiệm kỳ , nhưng cách nhau 4 năm (1885 - 1889 và 1893 - 1897) – biết đâu đây là do Nữ thần ban phước cho ông chăng? )
Tượng Tự do cao 46m, kể cả bệ cao 93m, vẫn giữ kỷ lục pho tượng lớn nhất thế giới. Nữ thần khoác áo choàng thời cổ Hy lạp - tay phải Bà cầm ngọn đuốc dài 16m (năm 1986 được thay thế bằng ngọn đuốc mới bằng đồng, mạ vàng lá 24k nên tia sáng mặt trời phản chiếu ánh vàng rực rỡ ban ngày và các ngọn đèn pha phản chiếu ánh sáng ngọn đuốc ban đêm, nên 24 giờ không ngừng chiếu sáng cho tàu bè ra vào cảng New York, đón chào dân tỵ nạn trước đây và du khách bốn phương ngày nay) - tay trái Bà cầm một cuốn sách, mang dòng chữ ngày ban hành bản Tuyên ngôn Độc lập – “July IV MDCCLXXVI” – (tháng Bảy, 4, 1776, ngày lễ Độc lập Hoa Kỳ). Chân Bà mang đôi săng-đan thời La mã và chân phải Bà đạp đứt tung đống xiềng xích tượng trưng cho việc đập tan sự áp bức, đem lại Tự do cho nhân loại. Bức tượng nhìn ra hướng Đông nam, đối xứng với vị trí của đồn Fort Wood và để mọi người đang đi trện tàu thuyền có thề nhìn thấy Nữ thần trong khi di chuyển vào cảng New York.
- Trong sách tiếng Anh nguyên bản, người viết không thấy ghi chi tiết “Vương miện của Nữ thần phát ra 7 ánh hào quang tượng trưng cho 7 châu lục” (vì sự phân chia số các châu lục của Pháp và Mỹ hơi khác nhau) mà chỉ viết là 7 ánh hào quang đó tượng trưng cho ánh sáng mặt trời. Và cũng không viết về “Hai tượng Tý hon của Nữ thần Tự do” (có thể đây là hai phiên bản đầu tiên Bartholdi đã nặn, được người ta giữ lại): - một tượng Tý hon được đặt ở đảo Thiên nga, cạnh sông Seine, Paris và - tượng Tý hon còn lại được tặng Việt Nam sau khi tham gia Hội chợ ở Hà Nội năm 1887 và đặt trên đỉnh Tháp Rùa, rồi về vườn hoa Chí Linh, sau dời về vườn hoa Cửa Nam – nhưng tiếc thay, thời kỳ Nhật đảo chính Pháp năm 1945, tượng Tý hon đã bị hạ bệ, để mang nấu đồng nặn bức tượng A-di-đà lớn nhất nước ta ở chùa Ngũ Xá, Hà Nội.
- Người viết có dịp thăm Nữ thần Tự do vào đúng dịp kỷ niệm 125 năm Bức tượng trị vì trên đảo Tự do vào tháng 10 năm 2011. Phía dưới xung quanh Bệ tượng có treo nhiều tấm bảng đồng ghi lại công ơn của các ân nhân hoàn thành bức tượng khổng lồ mới gồm có: Laboulaye, Bartholdi, Eiffel, Putlizer và bài thơ của Emma Lazarus…
Người viết ngậm ngùi khi ngắm nhìn và đọc kỹ các bảng ghi công của Laboulaye và Bartholdi, cảm phục từ đáy lòng mình về sự sáng tạo độc đáo của hai người Pháp - chỉ vì mục đích duy nhất là yêu bản Hiến Pháp dân chủ đầu tiên trên thế giới – mơ về nước Pháp một ngày nào đó sẽ có được cơ hội tuyệt vời như Hoa Kỳ. Sự ngẫu nhiên kỳ thú là Nữ thần Tự do đã vinh dự trở thành biểu tượng, một vật thiêng – đứng trên Chuông Tự do (ở Dinh Độc lập, Philadelphia, PA) của Liên Bang non trẻ này.
Chúng ta thấy rằng, tượng Tự do được khánh thành vào ngày 28 - 10 - 1886, nghĩa là trước một năm kỷ niệm đúng 100 năm ban hành Hiến pháp (17/9/1887) và sau 110 năm công bố bản Tuyên ngôn Độc lập (4/7/1776) thì theo ý nguyện của nhà sáng chế Laboulaye và Bartholdi, chắc là tượng Nữ thần Tự do – do nhân dân Pháp tặng nhân dân Mỹ - chính là để vinh danh và kỷ niệm 100 năm ban hành Hiến pháp Hoa kỳ - điều mà lúc sinh thời, Laboulaye luôn yêu quý, mơ rằng nước Pháp sẽ có điều tương tự. Dù sao đi nữa, Laboulaye cũng được an ủi là đã chứng kiến nước Pháp cũng có bản Hiến pháp Đệ tam Cộng hòa (1870 - 1940 với Tổng thống Thiers) trước lúc ông qua đời năm 1883, nhưng không bền vững vì sau đó là Đệ tứ Cộng hòa (1947 với Tổng thống Auriol, Coty) và rồi tới Tồng thống De Gaulle năm 1958 với Hiến pháp đệ ngũ Cộng hòa cho tới ngày nay.
Dù sao, niềm mơ ước của Laboulaye chỉ được phân nửa so với bản Hiến Pháp Hoa Kỳ dân chủ, ổn định - chỉ có chỉnh sửa bằng 26 Tu Chính án và nhất là, không như Pháp, nước Mỹ chưa hề có một cuộc chính biến nào cả, tất cả mọi chính đảng ở đây đều tôn trọng bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên trên thế giới - chưa bị hủy bỏ, thay thế. Chính là điều mà Laboulaye mơ suốt cả đời mình mà không được.
(Nguồn Newvietart.com)