Quản lý và Quy hoạch đô thị

Xem thêm >>
Hà Nội hiện có 23 khu chung cư cũ (KCCC) cao 4-5 tầng, với gần triệu m2 diện tích sàn, gần 28.000 hộ dân, hơn 137 nghìn nhân khẩu và hơn chục KCCC cao 1-2 tầng xây dựng xen kẽ trong các khu phố cũ.
Các KCCC này được xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước từ những năm 60-70-80 thế kỷ trước, đến nay đều đã xuống cấp, một số đang trong tình trạng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
 
Vấn đề hệ trọng bậc nhất của Hà Nội hiện nay là phải cải tạo, xây dựng các KCCC như thế nào, trong điều kiện ngân sách thành phố hạn hẹp, Nhà nước đã xóa bỏ bao cấp về nhà ở; đa phần dân sống tại các KCCC là CBCNV, người làm công ăn lương, khả năng chi trả thấp; các KCCC lại đa phần nằm ở nội thành, là khu vực hạn chế phát triển dân cư theo quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.
 
Những vướng mắc trong cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại các KCCC hiện nay thể hiện ở phương thức thực hiện, về vốn đầu tư, về quy hoạch kiến trúc, tái định cư, giải phóng mặt bằng...
 
Một số nhà đầu tư nước ngoài rất muốn tham gia xây dựng lại các KCCC nhưng mới dừng ở mức “nghiên cứu”, do chưa nắm được đầy đủ thông tin và cơ chế chính sách liên quan; còn các nhà đầu tư trong nước, thì hầu hết đang “nghe” tình hình ra sao…
 
Phải thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp
 
Ngày 17/11 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Một số giải pháp quy hoạch và cơ chế chính sách cải tạo các chung cư cũ nội thành Hà Nội” do Hội quy hoạch, phát triển đô thị Việt Nam tổ chức. Tham gia Hội thảo có Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hai Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
 
Các ý kiến đều thống nhất phải thực hiện việc này theo phương thức xã hội hóa. Nhà nước và chính quyền địa phương tuy không còn duy trì bao cấp nhà ở nhưng trường hợp nào cũng phải chủ trì việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại các KCCC; phải có cơ chế chính sách cho các KCCC nói chung và  từng KCCC theo đặc điểm riêng.
 
Cơ chế chính sách phải đảm bảo hài hòa lợi ích thành phố, người dân và chủ đầu tư, trên cơ sở pháp luật hiện hành. Đồng thời, nhằm cả ba mục tiêu kỹ thuật, xã hội, kinh tế; nhưng mục tiêu xã hội cần chú trọng nhất. Quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị ở các KCCC cần rất linh hoạt nhưng phải phù hợp với hướng chung của thành phố.
 
Phải có chế độ cụ thể, rõ ràng, kiên quyết trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạm cư... Các đại biểu cũng nêu nhiều kiến nghị về giải pháp thu hút các nhà đầu tư, quy hoạch-kiến trúc, đất đai, tài chính, bồi thường, bố trí tạm cư, tái định cư...
 
Nguyên Bảng (TienPhong 18.11.2007)