Quản lý và Quy hoạch đô thị

Xem thêm >>
Đi bộ trên các vỉa hè rộng thênh thang ở các đường trục chính như Lê Duẩn (đoạn trước bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, ĐH KHXH&NV), Lý Tự Trọng (đoạn ngang thư viện Tổng hợp), Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn ngang Thảo cầm viên, trường Cao đẳng Mẫu giáo)… nếu không chú ý chúng ta có thể dẫm phải “mìn” được “cài” từ tối hôm trước.
“Nặng mùi” vì đâu?
 
 Đi bộ trên các vỉa hè rộng thênh thang ở các đường trục chính như Lê Duẩn (đoạn trước bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, ĐH KHXH&NV), Lý Tự Trọng (đoạn ngang thư viện Tổng hợp), Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn ngang Thảo cầm viên, trường Cao đẳng Mẫu giáo)… nếu không chú ý chúng ta có thể dẫm phải “mìn” được “cài” từ tối hôm trước. 
 
 Vỉa hè các tuyến đường này tuy rộng và ít bị lấn chiếm để buôn bán nhưng du khách thường phải nhanh chân vượt qua chứ không dám nhàn tản du ngoạn bởi… quá nặng mùi. Có thực trạng này là vì các đoạn đường trên chủ yếu là các công sở, cơ quan văn hóa… tường rào dài và vắng vẻ, rất thuận tiện để những người trót… nặng bụng “quay lưng vào” hoặc “ngồi thụp xuống” giải quyết mà ít bị nhòm ngó.
 
 Còn khi chúng ta chạy xe bon bon trên các tuyến đường TP, dễ bắt gặp cái cảnh các anh, các chú đứng bên mép cầu, vô tư xả thẳng “nỗi buồn” xuống các con kênh, các dòng sông. Cảnh này dễ thấy trên cầu Điện Biên Phủ, cầu Nguyễn Hữu Cảnh, dưới chân cầu Sài Gòn…
 
 Trên các đoạn quốc lộ vắng nhà dân, cảnh này cũng không hiếm. Đơn cử như xa lộ Hà Nội, cánh đàn ông thường xả xuống khu cỏ xanh mơn mởn trồng dọc con đường. 
 
 Trong nội thành, nhà dân san sát mà không tìm được hàng rào cơ quan nào thì người ta thường tìm 1 con hẻm hẹp, tối hay một góc tường nào đó để “xử”. Vậy là cả TP văn minh nhưng lâu lâu lại có chỗ thoang thoảng mùi “hương”… 
 
 Có chuyện này là bởi TP quá thiếu nhà vệ sinh công cộng (VSCC) đặt ven đường. Theo số liệu của Sở Tài nguyên Môi trường thì hiện TP có trên 100 nhà VSCC, nhưng lại tập trung hầu hết ở các công viên, ven đường quận 1, quận 3; còn quận nội thành khác thì lèo tèo vài cái, các quận huyện ngoại thành thì vắng bóng.
 Anh N.Q.N kể: “Tui ra khỏi nhà thì mắc tiểu, định tìm nhà VSCC nào đó trên đường đến nơi hẹn giải quyết luôn cho tiện. Nhưng chạy từ Bình Chánh theo quốc lộ 1 về Kinh Dương Vương, qua Hồng Bàng, đến đường 3/2, rẽ qua Cách Mạng Tháng 8, xuống Nguyễn Thị Minh Khai vào trung tâm TP mà chẳng tìm thấy nhà VSCC nào. Nhịn suốt quãng đường 20 km không chịu nổi nữa nên tôi đành…”.
 
 Thừa mà thiếu!
 
 Thực tế là tại nhiều địa điểm trong TP không hề thiếu nhà VSCC, nhưng các địa điểm ấy vẫn là những điểm “nặng mùi” nhất. Đơn cử là khu vực Thảo cầm viên Sài Gòn. 
 
 Ngoài hệ thống nhà VSCC trong Thảo cầm viên, dọc hàng rào bên ngoài Thảo cầm viên còn có hai trạm VSCC ở phía đường Nguyễn Hữu Cảnh (gần cầu Thị Nghè 2) và phía đường Nguyễn Thị Minh Khai. Gần đó, ngay chân cầu Thị Nghè 1 cũng có 1 trạm gồm 2 nhà VSCC trên đường Trường Sa. Vậy mà, quanh hàng rào Thảo cầm viên vẫn đầy điểm đen “nặng mùi”, ngay chân cầu Thị Nghè 1, 2 vẫn đầy người tiểu bậy.
 Vì sao? Bởi trong 3 trạm VSCC trên thì có đến 2 là không hoạt động, chỉ có mỗi trạm VSCC trên đường Nguyễn Hữu Cảnh là có người trông coi, nhưng đoạn này lại vắng người nên rất ít người sử dụng.
Còn đoạn Nguyễn Thị Minh Khai rất đông người qua lại thì 2 trạm VSCC đều không hoạt động, 2 trạm VSCC này trở thành một bức vách thuận tiện để những kẻ “nặng lòng” núp vào đằng sau để giải quyết “bầu tâm sự”.
 Công viên Lê Văn Tám thì có đến 2 nhà VSCC, nhưng lại nằm ở hai góc công viên, khuất sau rừng cây và khu vui chơi thiếu nhi. Trong khuôn viên hàng chục hecta, để tìm được nhà VSCC này cũng mờ mắt. 
 Hàng rào quanh công viên cũng đầy mùi xú uế. Dãy hàng rào không hề có nhà VSCC ven đường này rất thuận tiện cho khách vãng lai, xe ôm giải quyết… Bởi muốn vào công viên đi vệ sinh phải gửi xe (2.000 đồng/chiếc) và trả tiền vệ sinh (1.000 đồng/lần), chưa kể phải tốn công tìm.
 
 Những nơi có nhiều nhà VSCC còn vậy, huống gì các công viên như 30/4 (không hề có nhà VSCC), 23/9 (có 3 cái nhưng đóng cửa im ỉm)… thì sao? Nhếch nhác và nặng mùi là chuyện dễ hiểu.  
 
Tùng Nguyên( Dan Tri 23.5.08)