Quản lý và Quy hoạch đô thị

Xem thêm >>
“Sẽ tự đóng cửa sản xuất nếu gây ô nhiễm môi trường” (Dân trí 21.11.07) - Dự án xây dựng tổ hợp sản xuất công nghiệp sắp được hoàn thiện nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía hàng nghìn hộ dân phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Phía BQL dự án khẳng định đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng cho vấn đề xử lý môi trường.
Ông Phạm Quốc Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý dịch vụ kỹ thuật bay (TTQLDVKTB), trưởng ban quản lý dự án cho biết: “Để đảm bảo môi trường cho những hộ dân quanh khu vực sản xuất, chúng tôi đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng cho vấn đề xử lý môi trường.
 
 Cụ thể, về mặt sản xuất cơ khí thải ra các loại chất thải rắn và dầu, mỡ... các xưởng sẽ phải thu gom lại và tiêu huỷ theo đúng quy trình xử lý môi trường. Đối với xưởng sơn tĩnh điện sẽ áp dụng hệ thống phun nước 3 lần nhằm giảm thiểu hạt bụi sơn, còn nước thải sẽ được lọc nhiều lần trước khi thải ra con mương trước cửa các hộ dân. Riêng với xưởng mạ, do có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, khó xử lý, ban dự án quyết định không xây dựng xưởng sản xuất mạ này”. 
 
“Sau khi khu tổ hợp sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động, nếu gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ tự đóng cửa và chịu trách nhiệm trước pháp luật, ông Đạt khẳng định. 
 
Trả lời câu hỏi: Vì sao khi thực hiện dự án, đánh giá tác động môi trường, ý kiến của của chính quyền địa phương và hàng nghìn người dân lại bị “gạt” ra ngoài? Ông Đạt cho rằng, khi thực hiện duyệt dự án là vẫn căn cứ theo luật môi trường cũ năm 1993, nên không có chuyện người dân tham gia giám sát dự án, còn diện tích đất quy hoạch dự án nằm trong sự quản lý của quân đội nên không phải thông qua UBND phường.  
 
“Còn nếu nói dự án này phải dừng vì hàng nghìn người dân thì cơ quan chức năng nào đứng ra ký quyết định cho thực hiện dự án phải bồi thường cho doanh nghiệp”, ông Đạt nói.
 
 Cũng thật “ngạc nhiên” khi ngày 30/6/2006, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn ký quyết định phê duyệt dự án theo luật bảo vệ môi trường cũ thì ngày 1/7/2006 luật bảo vệ môi trường mới bắt đầu có hiệu lực. 
 
Tuy nhiên, dù luật cũ hay luật mới thì ý kiến của hàng nghìn hộ dân không thể bị “bỏ qua” dễ dàng như thế.
 
Tuấn Hợp