Quản lý và Quy hoạch đô thị

Xem thêm >>

Đô thị hoá Hà nội

Tuesday, 24/06/2014, 16:54 0 389
Hội Xây dựng Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và một số đồng chí từng là lãnh đạo của thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng.
 
Chuyển hướng vào Vùng Thủ đô Hà Nội
 
(GS. TS. Nguyễn Mạnh Kiểm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam)
“Trước hết xác định thành phố Hà Nội là hạt nhân của Vùng Thủ đô Hà Nội. Từ đó tính tới vùng ảnh hưởng của Hà Nội như thế nào. Trong vùng ảnh hưởng ấy không thể bỏ qua một trong các tiêu chí là phải giữ được cân bằng, đảm bảo tiêu chí của các cấp đô thị cùng phát triển trong vùng.
Hà Nội là đô thị đặc biệt ảnh hưởng tới các đô thị lân cận trong vùng đô thị như thế nào để các đô thị cũng được nâng cấp. Các đô thị này lại hỗ trợ, tác động cho Hà Nội đạt tiêu chí cao hơn. Đó chính là tạo cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo chiến lược phát triển của các đô thị cộng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô hạt nhân.
 
Muốn làm được điều đó trước hết chúng ta phải quan tâm hệ thống hạ tầng đô thị là chính. Trong đó có nhiều mặt phải nâng lên để đạt được mức đặc biệt. Đồng thời, các chùm đô thị cũng sẽ phát triển lên.
 
Phải đồng thuận để hỗ trợ và bổ sung cho nhau để đạt được tiêu chí về cấp đô thị, với lợi ích các phía cùng phát triển (tất nhiên theo từng cấp). Điều này rất quan trọng, nếu các nhà lãnh đạo cao nhất không thống nhất được với nhau thì bàn rất lâu.
 
Khi nói đến đô thị hoá, nhất là tính đến vùng, ngay cả đô thị Hà Nội cũng không thể nào bỏ qua vấn đề nông thôn. Vậy khi chuyển thành vùng, để đô thị hoá ở vùng nông thôn rộng lớn ấy cần có tác động, hỗ trợ. Có được sự tác động tích cực như vậy thì các dự án mới mang được tính khả thi vì nó cân bằng được quyền lợi để họ tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các dự án.
 
Phải xem kỹ về diện tích và quy mô của Thủ đô Hà Nội. Trước hết phải nghiêm túc và tìm ra giải pháp khai thác tối đa diện tích đất còn lại của thành phố Hà Nội. Từ suy nghĩ như vậy thấy 5 vấn đề (hoặc 5 dự án) cần được quan tâm chú ý để thực hiện có hiệu quả sự phát triển của bản thân Thủ đô Hà Nội là hạt nhân nhưng có tác động trực tiếp tới vùng.
 
Thứ nhất, các dự án về hạ tầng kỹ thuật đô thị mà trước hết là các dự án về đường giao thông. Đặc biệt là sớm xác định được các đường vành đai của Hà Nội.
 
Thứ hai, nên coi không gian Thủ đô Hà Nội không phải chỉ là cốt 0 lên trời mà phải đặt vấn đề sớm đến hệ thống công trình ngầm và không gian ngầm đô thị Hà Nội.
 
Thứ ba, khai thác đô thị Hà Nội (điều chỉnh, phân bổ lại, trị thuỷ...), đưa sông Hồng vào nội đô Hà Nội, khai thác đô thị hai bên sông Hồng, liên quan đến những cầu và quy hoạch đô thị ở các nút hai đầu cầu của các cầu.
 
Thứ tư, phải có dự án mang tầm cỡ quốc gia về điều tra địa chất thủy văn, môi trường (trữ lượng nước ngầm, dòng chẩy, bổ sung nguồn nước và từ đó tính tới môi trường, cảnh quan không gian,...).
 
Thứ năm, quan tâm đến vấn đề di tích lịch sử, khảo cổ, vấn đề không riêng chỉ đối với Thủ đô, mà còn quốc tế và nhất là vùng. Phải sớm xác định yếu tố hoàng thành trong trung tâm Ba Đình của Thủ đô”.
 
Chọn hướng ưu tiên gắn với phát triển không gian
 
KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển Hà Nội)
“Kể từ năm 1954 đến nay Hà Nội đã có 7 lần được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
 
Ngay quy hoạch chung gần đây nhất được duyệt theo Quyết định 108/1998-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những điều chỉnh cục bộ để phù hợp với thực tiễn. Với sự đánh giá khách quan và khoa học, có thể thấy rõ: Định hướng pháp triển không gian trong các thời kỳ luôn có tính kế thừa và có mối quan hệ tương hỗ tác động hai chiều giữa quy hoạch không gian với quy hoạch kinh tế - xã hội.
 
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến nay xét về nguyên tắc là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Song cần sớm hoạch định quy hoạch ngắn hạn cho 5 năm tới để tạo diện mạo Thủ đô xứng đáng với dịp kỷ niệm 1000 năm tuổi.
 
Trong quá trình phát triển vừa qua, Hà Nội luôn chú trọng đến giải quyết đồng bộ giữa phát triển mới với cải tạo, chỉnh trang khu đã có và bảo tồn, tôn tạo các di sản đô thị. Tuy rằng về “liều lượng” có khác nhau từng thời gian, song đây là nguyên tắc là kinh nghiệm để Hà Nội giữ được đặc thù mà hiếm đô thị khác có được.
 
Phát triển không gian cần phải gắn với đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung. Trong đó phải tuân thủ theo quy hoạch đã được duyệt.
Với xu thế hội nhập cùng phát triển thì cần phải xác định rõ hình thái phát triển không gian Thủ đô. Đây là vấn đề cần quan tâm trong giai đoạn tới. Cần xác định được vai trò, vị trí của Hà Nội trong các nghiên cứu về quy hoạch vùng đang triển khai.
 
Đó là: Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng đô thị, Vùng Hà Nội chủ động hợp tác với 11 tỉnh, thành phố phía Bắc, Hành lang kinh tế Đông Nam Trung Quốc với biến Bắc bộ,...
 
Qua các nghiên cứu sơ bộ đã công bố, có thể thấy rõ Hà Nội luôn được xác định là cực hút có vai trò trung tâm của cả vùng. Các tỉnh lân cận đều đang khai thác lợi thế so sánh để gắn kết với Hà Nội và phát triển. Hạ tầng kỹ thuật của cả vùng chưa được nghiên cứu đồng bộ. Trong vùng gia tăng dân số mạnh thì sự gia tăng dân số cơ học chưa kiểm soát được.
 
Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã có những đề xuất giải pháp lựa chọn hình thái phát triển không gian. Có thể tóm tắt: phương án di dời dân cư giữ nguyên ranh giới Hà Nội; phương án phát triển đồng thời theo các tuyến liên vùng để cùng phát triển; phương án điều chỉnh để hình thành chùm đô thị mà Hà Nội phải có vành đai xanh để phát triển bền vững; phương án hình thành vùng với cơ chế quản lý có hiệu quả.
 
Song, phải chăng thích hợp nhất là phát triển Hà Nội gắn với không gian đô thị mở, nhưng cần quản lý chặt chẽ hơn theo sự phân công và cùng hợp tác với các vùng lân cận của Hà Nội. Để làm được, Hà Nội phải chủ động và có tính đến giải pháp mở rộng địa giới hành chính. Đây cũng là bài học của nửa thế kỷ vừa qua.
 
Về hướng phát triển ưu tiên trong 5 năm tới, 2005 - 2010, không thể không xem xét tới các dự án đang triển khai để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của nhiều thành phần kinh tế.
Đó là:
- Từng bước hoàn thiện các dự án hạ tầng kỹ thuật Nam sông Hồng, gắn với nghiên cứu quy hoạch khu vực Bắc sông Hồng và ưu tiên các dự án hai bên đường 5 kéo dài.
- Đẩy mạnh nghiên cứu hai bên bờ sông Hồng để có đủ cơ sở pháp lý lập dự án triển khai cụ thể. Đây là khu vực phức tạp về kỹ thuật, liên quan đến đa ngành nhưng lại có quỹ đất lớn, có dân số đáng kể (15 vạn người) và là đặc trưng về cảnh quan của Hà Nội.
- Phối hợp chủ động với các tỉnh lân cận để sớm hình thành các đô thị đối trọng, có sức hút và làm giảm áp lực vào Hà Nội. Có thể là Hoà Lạc, Vĩnh Yên,... Trong ranh giới Hà Nội cũng cần chú trọng hơn vùng Sóc Sơn, nơi có nhiều tiềm năng để trong tương lai sau năm 2010 sẽ là vùng có lực hút hơn”.
 
i quyết sự mất cân bằng về môi trường
 
(TS. Bùi Tâm Chung, Chủ tịch Hội môi trường Hà Nội)
“Nói rằng thời gian đầu các quy hoạch không nghĩ đến yếu tố bảo vệ môi trường cũng không quá đáng. Vì thực tế trong những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, ngay các nước tiên tiến trên thế giới cũng không nghĩ đến vấn đề này huống chi chúng ta!
 
Có thể nói, thiên nhiên không ưu đãi Thủ đô Hà Nội như Paris, Matxcơva, Montrean,.. song dường như chúng ta lại hạn chế bớt những dự kiến tốt đẹp cho môi trường như bỏ vành đai cây xanh Minh Khai là đáng tiếc. Vùng dự kiến dự trữ để phát triển đô thị sau này rất dễ bị tổn thương, không gian không ổn định, hiện đang chứa rác thải loại của sinh hoạt, cũng như của xã hội.
 
Tôi đề nghị, với vùng đất dự trữ của thành phố Hà Nội, ít nhất có những tiếp cận bằng những nét lớn về quy hoạch, tạo ra sự phôi thai về chức năng cấu trúc và kỹ thuật cơ sở hạ tầng, để làm sao có ý niệm rằng khu vực ấy nay mai sẽ là đô thị mới. Tôi thấy ở Pháp người ta có những biện pháp giữ vùng dự trữ rất tốt như chừa đất hai bên đường cao tốc, hoặc giữ đất bằng cách tạo ra vườn gia đình (giao cho mỗi hộ mấy trăm mét vuông để trồng cây ăn quả hoặc rau, bất kỳ lúc nào Nhà nước cần cũng có thể phá bỏ được).
 
Vì vậy đề nghị các nhà quy hoạch khi làm công tác quy hoạch nên lưu ý cho rằng chất lượng cảnh quan thiên nhiên nên xem là nhân tố quan trọng phát triển kinh tế xã hội và chúng ta không nên tách rời yếu tố đó.
 
Vấn đề bức xúc có liên quan đến môi trường là điều chỉnh các khu vực đang mất cân bằng nghiêm trong nhất trong nội thành Hà Nội. Nên chăng chúng ta tập trung cải tạo những vị trí mất cân bằng đó, trước hết là cơ sở hạ tầng, để đến khi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô Hà Nội cơ bản đạt được xanh, sạch, đẹp”.
 
Không dự báo quá xa, quan tâm đến thị trường
 
(TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam)
“Từ trước tới nay làm công tác quy hoạch chúng ta vẫn muốn dựa trên dự báo rất xa, 15 - 20 năm. Dự báo càng xa thì vẽ ra càng lớn. Thực tế nó không lớn theo cái ý chủ quan nên phải điều chỉnh. Vừa làm xong đã phải điều chỉnh. Vậy bây giờ có nên dự báo xa nữa không? Theo tôi không nên dự báo quá xa.
 
Ví dụ như ở Pháp, có vùng quy hoạch chỉnh trang (phối hợp quy hoạch tổng hợp) và vùng quy hoạch để dành, tương lai nó sẽ phát triển (nhưng chưa biết cụ thể). Thực chất là để cho hạ tầng phát triển khi cần dùng (người ta để mấy trăm mét không trồng cây, để cho tương lai đường điện cao thế sẽ đi qua,...).
 
Hiện chúng ta đang làm quy hoạch vùng, song cần phải đổi mới công tác quy hoạch. Đổi mới từ phương pháp luận, phương pháp tư duy, đến nội dung làm công tác quy hoạch. Không thể dự báo xa và phải đổi mới công tác quy hoạch vì thị trường là động lực phát triển của đô thị.
 
Mặt khác, thị trường tạo ra sự tăng rất nhanh của lưu động xã hội. Trong đó nông dân vào thành thị chỉ là một trong những sự lưu động của xã hội. Đơn cử như sự tăng dân số cơ học ở thành thị. Nhiều sỹ quan quân đội nghỉ hưu muốn ở lại thành thị. Nhiều quan chức ở các địa phương, khi chuẩn bị về hưu tìm cách được điều về Hà Nội để khi nghỉ hưu ở lại Hà Nội rồi kéo vợ chồng con cái ra Hà Nội. Hoặc, một nửa nhà ở khu đô thị mới Linh Đàm là dân ngoại tỉnh mua với nhiều lý do khác nhau.
 
Lưu động xã hội đang rất tăng lên mà người làm quy hoạch không nghiên cứu vấn đề lưu động xã hội là một khiếm khuyết. Mà lưu động xã hội không chỉ phụ thuộc vào những quy định của Nhà nước, mà do thị trường thúc đẩy.
 
Làm quy hoạch vùng để xử lý vấn đề kết nối. Cần kết nối cái gì thì vùng mở rộng ra đến đó. Theo tôi, có sáu kết nối.
 
Thứ nhất, kết nối công nghiệp và dịch vụ. Những tỉnh lân cận muốn mở công nghiệp giáp Hà Nội là muốn dựa vào dịch vụ của Hà Nội như nhân lực có tay nghề, kỹ sư giỏi, những thứ phải mua bán, giao dịch tiền tệ, dịch vụ giải trí, triển lãm, hội chợ, chữa bệnh, học hành,...
 
Thứ hai, kết nối kinh tế và đời sống.
 
Thứ ba, kết hợp làm việc với nghỉ ngơi giải trí. Nghỉ cuối tuần với hai ngày là một nhu cầu rất lớn mà chúng ta còn coi thường, trong khi đó Trung Quốc rất coi trọng, khai thác hai ngày nghỉ này để thu lại tiền của người dân.
 
Thứ tư, kết nối kinh tế với môi trường. Thứ năm, kết nối an ninh và quốc phòng. Thứ sáu, kết nối vùng Thủ đô Hà Nội với ngoài vùng (hay gọi là kết nối gần phối hợp với kết nối xa)”.
 
 Theo VNEconomy