Quản lý và Quy hoạch đô thị

Xem thêm >>

Hà Nội cần 1 tỷ USD mới hết ngập?

Tuesday, 24/06/2014, 16:50 0 381
Hà Nội đã chi gần 200 triệu USD cho dự án thoát nước giai đoạn 1. mỗi năm Hà Nội lại chi thêm trên 100 tỷ đồng cho công tác đảm bảo thoát nước. Thế nhưng, chỉ với cơn mưa 115mm vào chiều 18/6, thành phố Hà Nội đã “chìm” trong biển nước.
Hàng trăm ngàn người và phương tiện tham gia giao thông náo loạn vì đường ngập. Người Hà Nội không biết đến bao giờ mới dứt nỗi lo phố ngập.
 
Giao thông hỗn loạn
 
Cơn mưa dồn dập đổ xuống Hà Nội chiều 18/6 làm cho giao thông bị tê liệt nhiều giờ trên nhiều tuyến phố Hà Nôi. Ùn tắc nghiêm trọng nhất xẩy ra tại địa bàn quận Đống Đa. Ngay khi cơn mưa vừa ngớt (17 giờ 20) thì ngã tư Thái Hà- Láng Hạ đã bị chìm sâu dưới nước 30 - 40cm.
 
Nút giao thông ngay lập tức bị đông cứng, nhiều phương tiện đua nhau dành đương làm giao thông thêm lộn xộn. Tiếp sau đó, điểm Chùa Bộc – Tây Sơn cũng bị tê liệt hoàn toàn do ngập sâu trong nước và có vài chiếc ô tô chết máy giữa đường. Khu vực La Thành – Láng Hạ sau cơn mưa cũng biến thành cái ao mênh mông nước khiến giao thông qua khu vực này trở nên hỗn loạn. Đường La Thành vì thế bị tắc nghẽn nhiều giờ.
Theo đội CSGT số 3, trên địa bàn quận Đống Đa sau cơn mưa chiều qua có khoảng 10 điểm úng ngập ngây ùn tắc giao thông nghiêm trọng như: Đường Nguyễn Lương Bằng, đường Kim Liên, Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở, Trường Chinh, Cầu Phương Liệt, La Thành - Giảng Võ.
 
Đặc biệt, trên đường Trường Chinh do có nhiều ô tô chết máy và một số ô tô tránh ngập bằng cách đỗ trên vỉa hè đã làm cho giao thông trên tuyến đường bị tắc cứng.
 
Tại phố Thái Hà, đường tắc, hàng ngàn chiếc xe máy, ô tô chỉ còn biết giãy giụa tuyệt vọng trong “dòng sông” dâng nước lên cuồn cuộn. Tại con phố này có chỗ nước ngập 40cm. Thật đáng tiếc là trong lúc úng ngập, người dân náo loạn thì chúng tôi lại không thấy bóng dáng CSGT và TTGTCC đâu?
 
Cho đến 21 giờ 30 tại đường Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Tôn Thất Tùng, đường đê La Thành dòng xe và người vẫn kẹt cứng. Anh Quang Đông, viên chức làm việc tại một cơ quan ở phố Hồ Xuân Hương cho biết anh rời cơ quan lúc 19 giờ 30, nhưng đến tận 21 giờ 45 xe của anh vẫn đang kẹt cứng trên đường đê La Thành. Hai nơi này chỉ cách nhau chưa đầy 3 km.
 
Trung tá Lê Hồng Sơn – Đội phó Đội CSGT số 3 cho biết: đến 22 giờ đội đã cho kéo 3 ô tô chết máy để giải phóng tuyến đường. Cũng theo ông Sơn đến 22 giờ tối qua, các điểm ùn tắc trên địa bàn cơ bản được giải quyết. 
 
Tuy nhiên, do đường ngập nên việc đi lại vẫn ngập khó khăn. Nguyên nhân ùn tắc theo ông Sơn là do mưa to vào đúng giờ tan tầm, thêm nữa một số người dân mất bình tĩnh dẫn đến tình hình ùn tắc nghiêm trọng.
Tại địa bàn quận Ba Đình cũng có nhiều điểm ùn tắc như: Đội Cấn, Liễu Giai, Nguyễn Tri Phương, Thụy Khuê.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lê, TGĐ Cty thoát nước Hà Nội cho biết, nguyên nhân Hà Nội bị ngập là do lượng mưa cấp tập (trong vòng 2 giờ) mà đã đạt cường độ 115mm.
 
Tại khu vực Hai Bà Trưng, lượng mưa đạt 115mm, tại Yên Sở (Hoàng Mai) lượng mưa đạt xấp xỉ 100mm... Thêm đó, do cơn mưa ào đến đúng giờ tan tầm nên càng gây nhiều khó khăn cho người dân.
Tính đến 19 giờ ngày 18/6 tại Hà Nội vẫn có đến 15 điểm úng ngập nặng như Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Cao Bá Quát, Trần Quốc Toản, Quang Trung, Thái Hà, Thái Thịnh...
 
Ông Lê cho biết, Cty đã huy động trên 1.000 công nhân và phương tiện tham gia thoát nước. “Nếu trong điều kiện trời tạnh mưa thì các điểm úng ngập nặng sẽ thoát hết nước sau khoảng 30 phút”-  ông Lê khẳng định. Tuy nhiên đến 20 giờ, Hà Nội vẫn còn nhiều điểm ngập.
 
1 tỷ USD mới hết ngập?
 
Ông Phạm Văn Cường, GĐ Ban quản lý dự án Thoát nước Hà Nội đánh giá: Giai đoạn I của dự án với hàng loạt hạng mục được thi công như: cải tạo 4 sông Lừ, Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch; Xây dựng trạm bơm Yên Sở công suất 45m3/s; xây dựng hồ điều hoà, cải tạo 6 hồ...
 
Vì lý do đó, tình hình thoát nước của Hà Nội đã cải thiện rất nhiều.  Giải thích về việc Hà Nội vẫn ngập khi mưa 115mm, ông Cường cho biết đó là do các hạng mục đầu tư chưa đồng bộ, hơn thế tốc độ đô thị hoá, việc lấn chiếm hồ ao, mương, cống làm cho dòng chảy bị tắc nghẽn dẫn đến úng ngập.
 
Góp phần gây nên úng ngập còn do trên đường có nhiều lá cây làm tắc các điểm thu gom nước. Mặc dù vậy, người dân Hà Nội vẫn dễ dàng nhận thấy có nhiều điểm nằm trong dự án thoát nước giai đoạn 1 nhưng vẫn ngập. Ngã 5 Bà Triệu là một ví dụ.
 
Điều này được giải thích là do cốt đường bị thấp 60-80cm so với nhà dân nên có rót nhiều tiền thì đường vẫn ngập.
 
Theo ông Cường, giai đoạn II của dự án có số vốn 5.100 tỷ đồng dự kiến được khởi công vào quý 4/2008 hoàn thành năm 2011. Theo đó, mục tiêu cho hai giai đoạn là đảm bảo thoát nước cho trận mưa 310mm/2 ngày.
 
Thực hiện mục tiêu này, hàng loạt công trình được đầu tư như: Nâng công suất trạm bơm Yên Sở từ 45m3/s lên 90m3/s; cải tạo hệ thống cống trục chính 28km; cải tạo 32 km kênh, mương; cải tạo 11 hồ...
Như vậy cả hai giai đoạn của dự án sẽ ngốn khoảng 500 triệu USD. Mặc dù khá tự tin vào mục tiêu 310mm/2 ngày, nhưng ông Cường cũng cho biết, theo nghiên cứu của tư vấn để đảm bảo thoát nước triệt để cũng như giải quyết bài toán xử lý nước thải, thì Hà Nội cần đến 1,1 tỷ USD.
 
Và theo cách hiểu của chúng tôi thì Hà Nội chỉ hoàn toàn hết ngập khi chi đủ 1,1 tỷ USD cho công tác thoát nước.
 
Trước mắt với 500 triệu USD có giúp Hà Nội hết ngập?  Theo nhiều chuyên gia thì chưa chắc. Đó là vì, bản đồ đen về những điểm úng ngập đã được xác lập từ lâu và sau nhiều năm nó vẫn còn nguyên như vậy ngay cả khi Hà Nội đã đổ vào đó rất nhiều tiền.
 
Lý do đây là các điểm trũng bị khống chế bởi các khu dân cư, công sở. Nếu chỉ đầu tư thoát nước mà không nâng cốt những con đường thì ngập vẫn hoàn ngập. Nếu nâng cốt  đường, chắc hẳn phải đụng đến quyền lợi của rất nhiều hộ dân. Xem ra khát vọng về Hà Nội  hết úng ngập vẫn là giấc mơ.
 
 Phùng Sưởng ( Tienphong 19.6.08)