Quản lý và Quy hoạch đô thị

Xem thêm >>
Khu đô thị mới kiểu mẫu phải phù hợp với quy hoạch xây dựng. Đó là một trong những điều kiện bắt buộc để được xét công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu.
Nội dung này được khẳng định tại Thông tư hướng dẫn việc đánh giá, công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu do Bộ Xây dựng ban hành ngày 22.4.
 
Để được công nhận danh hiệu này, các khu đô thị phải đáp ứng được 6 tiêu chí: quy định về diện tích; phát triển đầy đủ và đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng các công trình kiến trúc phù hợp quy hoạch, hài hoà cảnh quan; quản lý xây dựng và bảo trì công trình; môi trường văn hoá đô thị lành mạnh, thân thiện; quản lý, khai thác sử dụng khu đô thị mới vì lợi ích công cộng, xã hội.
 
Theo đó, các khu đô thị mới được xét phải có diện tích từ 50 ha trở lên. Nếu là khu vực cải tạo đô thị hiện tại thì có thể nhỏ hơn nhưng không dưới 20 ha với số lượng khoảng 1.000 căn hộ từ chung cư cao tầng, thấp tầng, biệt thự đến nhà ở phân lô theo quy hoạch chi tiết. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải sẵn sàng đấu nối cho các công trình xây dựng; đảm bảo an toàn cháy nổ và tiện lợi cho cả người khuyết tật sử dụng...
 
Ngoài ra, các khu đô thị kiểu mẫu bắt buộc phải đạt các thông số như: khoảng cách tiếp cận với các phương tiện giao thông công cộng từ nơi ở, làm việc không quá 500 m; tiêu chuẩn cấp nước trên 150 lít/người/ngày trở lên; tỷ lệ cây xanh công cộng trên 7 m2/người... Đặc biệt, các công trình hành chính, thương mại, dịch vụ, trường học các cấp, bệnh viện, nhà văn hoá, công trình thể thao phải đạt tiêu chuẩn, quy mô, chất lượng.
 
Bộ Xây dựng có quyền thẩm định và công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu với thời hạn hiệu lực là 5 năm.
 
V.A (Báo Lao động 23.4.08)