Quản lý và Quy hoạch đô thị

Xem thêm >>
Ý kiến từ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: Khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, mô hình tổ chức không gian chung của Hà Nội sẽ được hình thành trên cơ sở kết quả nghiên cứu Vùng Thủ đô. Tuy nhiên các nhà làm quy hoạch sẽ phải xác định lại phạm vi và quy mô phát triển ổn định cho thành phố trung tâm, tránh hình thành siêu đô thị theo hướng mô hình “bạch tuộc”. “Tấm áo mới” cho nhiều dự án phát triển
 Theo Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội: Trước đây, do quỹ đất hạn hẹp nên thành phố đã phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhiều lần cho phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất dự trữ, đất nông nghiệp trong địa giới hành chính Hà Nội sang phát triển đô thị. Nay thực hiện Chỉ thị số 260/CT-TTG ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát lại toàn bộ các dự án khu đô thị, khu dân cư và các dự án khác liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội thuộc địa giới Hà Nội mở rộng; Hà Nội sẽ có điều kiện bố trí các khu quy hoạch, tạo điều kiện cho các dự án phát triển.
 
 Cụ thể như, cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa hình thành được Trung tâm hành chính quốc gia; trụ sở các Bộ, ngành TƯ còn phân tán rải rác trong khu vực nội thành. Trong điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô lần này và mở rộng địa giới hành chính, Thành phố sẽ xem xét cụ thể vị trí cho Trung tâm hành chính quốc gia.
 
 Việc hình thành trung tâm lớn về văn hóa, Hà Nội mở rộng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để hình thành và kết nối các khu vực đặc trưng về di tích, lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống gắn kết với các danh lam thắng cảnh đặc trưng của Thủ đô, gắn với Hà Nội và Hà Tây trong vùng mở rộng để hình thành được trung tâm lớn về văn hóa của Thủ đô.
 
 Về trung tâm khoa học hiện tại, theo đánh giá của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, hơn 40 trường đại học, cao đẳng tập trung tại Thủ đô, trong điều kiện ranh giới hành chính hạn hẹp đã gây nên bức xúc về giao thông, nhà ở, môi trường, hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Trong khuôn khổ ranh giới hành chính cũ, khu dãn các trường đại học được xác định tại Tây Mỗ, ranh giới giáp với tỉnh Hà Tây nay địa giới hành chính được mở rộng, cần có sự xem xét rà soát lại để bố trí hợp lý, đảm bảo quy mô và phù hợp với quy hoạch Vùng. Theo đó, hệ thống các trường đào tạo dạy nghề không nhất thiết đặt ở trung tâm thành phố mà phân bố lại phù hợp với quy hoạch Vùng; Hệ thống giáo dục phổ thông được xác định phân bố đều trong các khu dân cư, các khu đô thị mới đảm bảo nhu cầu học tập, giáo dục phổ thông. Tại Thủ đô chỉ giữ lại các Viện nghiên cứu đầu ngành, các Viện hàn lâm khoa học phù hợp với lợi thế nguồn nhân lực chất xám của Thủ đô.
 
 Việc mở rộng địa giới Thủ đô được dự báo cũng sẽ tác động mạnh đến trung tâm về kinh tế Hà Nội. Hiện trong 921km2, Hà Nội hình thành 5 KCN tập trung và khoảng 20 cụm công nghiệp vừa và nhỏ; Công nghiệp nhỏ lẻ, phân tán trong khu vực nội thành chiếm một tỷ lệ đất đai lớn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn… cần phải được đưa ra ngoài, chỉ giữ lại Thủ đô các ngành công nghệ cao có chọn lọc. Các cơ sở sản xuất sau khi di chuyển phải ưu tiên giải quyết các nhu cầu mất cân đối về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho thành phố trung tâm, phát triển các loại hình dịch vụ, công cộng đa dạng đáp ứng nhu cầu mới của Thủ đô. Chủ trương của thành phố Hà Nội là không tiếp tục phát triển loại hình công nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích chuyển đổi sang hướng kỹ thuật cao, các làng nghề tập trung cũng cần được khôi phục kết hợp du lịch và đảm bảo môi trường để phát triển bền vững.
 
 Mặt khác, về trung tâm giao dịch quốc tế, Hà Nội hiện chỉ có khu ngoại giao đoàn cũ trên địa bàn quận Ba Đình và phân tán trong khu vực nội thành cũ. Theo quy họch chung 108, xác định mới một khu ngoại giao đoàn tại Xuân Đỉnh, quy mô khoảng 60ha nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, cần được nghiên cứu đề xuất mới trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này.
 
 Bên cạnh đó, sông Hồng là một thắng cảnh đẹp của Thủ đô. Việc khai thác giá trị to lớn của sông Hồng vào phát triển đô thị là rất quan trọng và cần thiết. Đây là trục cảnh quan chính với các yếu tố cây xanh – mặt nước – văn hóa, là chủ đạo gắn kết với trục không gian chính Cổ Loa – Hồ Tây để hình thành bố cục không gian chung toàn thành phố, cũng cần được nghiên cứu đặt trong tổng thẻ chung của Thủ đô khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội.
 
 Các công viên lớn ven đô trong quá trình mở rộng địa giới cũng cần được xem xét để phân bố hợp lý, tạo thành các nêm cây xanh gắn với vành đai xanh thành phố để đảm bảo cho Thủ đô phát triển ổn định, bền vững, đạt hiệu quả cao trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội – môi trường.
 
 Phát triển mạnh công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật đầu mối
 
 Hiện nay, về hạ tầng kỹ thuật khung Bắc sông Hồng, thành phố đang chỉ đạo lập quy hoạch đồng bộ, tuy nhiên cũng còn biến động về quy hoạch trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch; Trong đó có tuyến đường cầu Nhật Tân lên sân bay quốc tế Nội Bài và phần đất phía Nam Cổ Loa nằm trên trục không gian Cổ Loa – Hà Tây. Hiện vành đai đầu mối đường bộ, đường sắt của Hà Nội còn chưa thống nhất trong các định hướng chung.
 
 Các tuyến đường vành đai 1,2,3 và các trục quốc lộ hướng tâm:QL1, QL2, QL3, QL5, QL6, QL32 đã và đang được Bộ GTVT đầu tư cải tạo mở rộng phù hợp với định hướng quy hoạch chung phát triển đô thị Hà Nội. Một số tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đi các tỉnh đang được Bộ GTVT triển khai nghiên cứu đầu tư xây dựng như đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai; Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên… phù hợp với Chiến lước phát triển GTVT VN đến năm 2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt… Thành phố Hà Nội còn phối hợp với một số tỉnh lân cận xây dựng các tuyến đường liên tỉnh như Hà Nội – Hưng Yên: Hà Nội – Hà Tây (tuyến đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đến Hà Tây; tuyến đường từ Khu công nghiệp Nam Thăng Long đi vành đai 4); Hà Nội – Vĩnh Phúc (đường nối từ trục Trung tâm Mê Linh đến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài).
 
 Trong hệ thống giao thông đường sắt, tuyến đường sắt Yên Viên – Ngọc Hồi kết hợp giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia đang được triển khai nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng và có khả năng phục vụ cho mở rộng Hà Nội. Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội đang triển khai xây dựng, có thể kéo dài để phục vụ cho khu vực dự kiến mở rộng Hà Nội về Hà Tây.
 
 Sân bay quốc tế Nội Bài cũng đang triển khai mở rộng đáp ứng vai trò sân bay quốc tế quan trọng nhất của khu vực miền Bắc.
 
 Có thể thấy, ở rộng địa giới Thủ đô sẽ là cơ hội lớn để biến nhiều ý tưởng quy hoạch thành hiện thực, biến một Hà Nội chật hẹp thành một Thủ đô “hoành tráng”, vươn tầm phát triển.
 
 Lan Hương ( Báo Hà Nội Mới, 14.4.08)